"Mùa lũ đẹp" ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ tư, 25/09/2019 14:41
(ĐCSVN) - Năm nay lũ về muộn, lượng cá tôm có ít hơn những năm trước, nhưng hiện người dân các tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long thấy phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Lũ cũng mang phù sa về cho đất thêm màu mỡ.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam dự báo, năm 2019 lũ nhỏ, diễn biến mưa trên lưu vực cùng với các tác động do điều tiết thủy điện trên lưu vực. Mực nước lũ lớn nhất tại Tân Châu theo khả năng thấp, chỉ ở mức 3,0 - 3,5m. Dự báo lũ ở vùng trung tâm đồng bằng, đỉnh lũ lớn nhất xuất hiện 29/9 - 01/10. Năm nay sản lượng cá đánh bắt được giảm hơn rất nhiều vì lũ nhỏ, chỉ đạt 50 - 60% sản lượng. Với nhiều ngư dân kinh nghiệm với tình hình lũ về muộn như hiện nay thì lượng cá tôm sẽ ít hơn, cá linh cũng ít hơn so với các năm trước, nhưng cũng giúp cho người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đi dọc bờ đê các xã biên giới Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự - Đồng Tháp), phường An Lạc (Đồng Tháp) sẽ bắt gặp cảnh đánh bắt cá tôm. Trên những con kênh, cánh đồng mênh mông nước, cảnh người dân thu hoạch thủy sản mùa lũ khá sôi nổi; người giăng lưới, thả câu...

Ngụp lặn trong dòng nước  từ khoảng 5 giờ sáng đến trưa, lạnh lẽo, vất vả là vậy nhưng những người làm nghề đánh bắt cá linh trong nước mùa lũ luôn vui vẻ, lạc quan. Họ luôn mong có một "mùa lũ đẹp", bởi lũ về càng cao, cá tôm càng nhiều, thu nhập càng tăng. Vừa kéo lên một mẻ lưới, anh Trần Thanh Quang có tay nghề gần 20 năm đánh bắt cá linh non trong mùa lũ ở xã Thường Thới Hậu A (huyện Hồng Ngự - Đồng Tháp) cho biết: “Năm nay nước lũ về muộn hơn so với cùng kỳ năm rồi khoảng 1 tháng và nước thấp. Việc đánh bắt cá linh  khó khăn hơn vì sản lượng giảm, mỗi ngày kéo 5 - 6 mẻ lưới và thu được 7 - 8  kg cá, chủ yếu là cá linh và cá chốt. Thời điểm này, cá linh non được thương lái thu mua từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, cá linh làm sạch ruột bán tại chợ từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, giảm khoảng 3 - 4 lần so với cách đây 1 tháng. Dù lượng cá thu được ít hơn mọi năm, nhưng thu nhập từ việc kéo cá cũng kiếm được khoảng 400.000 - 500.000 đồng mỗi ngày, góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống trong lũ. Mừng lắm. Nước lũ về đã có cá linh để làm các món kho, canh chua với bông súng, điên điển”.

Ngược qua bờ Tây sông Hậu, tại thị xã Tân Châu, một địa phương đầu nguồn của tỉnh An Giang được xem là “xứ cá mùa lũ” ở miền Tây, trên sông, rạch và một số cánh đồng trũng nước đã tràn bờ. Ngay khi nước tràn đồng, nhiều người dân đã tất bật với việc chài lưới để khai thác nguồn lợi thủy sản.

Anh Nguyễn Văn Cần, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu (An Giang) quanh năm sống bằng nghề thả lưới chia sẻ: Hơn hai tháng nay, người dân nơi đây ngóng mùa nước nổi; có nước về bà con rất vui, nhưng hiện mực nước còn thấp hơn mọi năm. Với tình hình nước về muộn và thấp như hiện nay thì lượng cá, tôm sẽ ít hơn so với các năm trước. “Tôi sống bằng nghề lưới, đi giăng một đêm cũng khoảng 3- 4 kg, có khi chỉ 2 kg với đủ loại cá. Tuy không nhiều nhưng cũng đủ sống qua ngày. Năm nay nước lũ về người làm lưới mừng nắm. Tôi lên đồng giăng lưới để kiếm sống, đánh cá bán kiếm tiền. Năm rồi, vào tháng này nước sâu ngập đầu luôn, tôm, cá rất nhiều, với mỗi dây lưới 100m bắt được chừng 6 - 7 kg cá là bình thường, còn giờ giảm nhiều” - anh Cần nói.

Dù lũ về chưa cao nhưng nhiều người dân vùng lũ An Giang đã nô nức thu hoạch sản vật để tăng thu nhập. Về xã Phú Hội, huyện An Phú (An Giang) dễ dàng nhìn thấy trên những bờ bao ngập nước, người dân đang nô nức đi hái bông điên điển. Đây là một loài rau đặc sản chỉ có trong mùa nước nổi. Với người dân vùng lũ, bông điên điển gắn bó với họ tự thuở nào không biết. Anh Võ Văn Phong ở ấp 2, xã Phú Hội (huyện An Phú - An Giang), cho biết: Xứ này điên điển nhiều lắm. Mùa nước ngập, bông nở vàng đồng. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã theo mẹ bơi xuồng đi hái bông điên điển về nấu ăn. “Bông điên điển trở thành món ngon nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng nên giá bán ở chợ cũng tương đối cao. Hiện tại, giá bông điên điển bán ở chợ từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Bông điên điển hái buổi sớm ngon lắm”, anh Phong bộc bạch.

Trở lại xóm làm lọp cá linh Cồn Cóc (xã Phước Hưng, huyện An Phú), tuy không sôi động như chục năm trước nhưng nghề làm lọp cũng giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Năm nay lũ về muộn, một phần vì người dân sử dụng lại lọp cũ để đặt, nên lượng lọp làm ra không nhiều. Ông Huỳnh Văn Tòng ở ấp 2, xã Phước Hưng người gắn bó mấy chục năm với nghề làm lọp cá linh ở Cồn Cóc cho biết: “Nhớ chục năm trước mà thấy ham, mỗi năm làm mấy chục ngàn cái lọp, giao khắp các tỉnh, thành phố, có cả dân bên Campuchia đi ghe lớn qua mua. Cả xóm làm nhộn nhịp ngày đêm mới kịp giao hàng. Mấy năm nay lũ kém (trừ năm rồi lũ bất thường), cá ít dần nên người ta cũng bỏ nghề đặt lọp cá linh”.

Năm nay lũ về muộn, lượng cá, tôm có ít hơn những năm trước, nhưng hiện người dân các tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long thấy phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Lũ cũng mang phù sa về cho đất thêm màu mỡ. Cho nên, người dân luôn hy vọng năm nay sẽ có một "mùa lũ đẹp" để họ có thể hòa mình “sống chung với lũ”.

Dưới đây là một số hình ảnh về hoạt động đánh bắt thủy, hải sản của người dân Đồng bằng sông Cửu Long khi lũ về:


Vùng trũng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp nước đã tràn bờ, người dân đang tất bật với việc thác thủy sản.

Ngư dân cũng đã bắt tay vào việc mưu sinh mùa lũ.

Anh Nguyễn Văn Cần, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu (An Giang) thả lưới bắt cá mùa nước nổi.

Nước đã tràn bờ, người dân vùng lũ giăng lưới bắt cá linh

Anh Võ Văn Phong ở ấp 2, xã Phú Hội (huyện An Phú - An Giang) hái bông điên điển trong mùa nước nổi.
Bài, ảnh: Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực