Nâng cao giá trị thương hiệu ngành thủ công mỹ nghệ thông qua năng lực thiết kế

Thứ năm, 27/10/2016 22:31
(ĐCSVN) – Ngày 27/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Nâng cao giá trị thương hiệu ngành thủ công mỹ nghệ thông qua năng lực thiết kế" do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức.

 

Hội thảo thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia (Ảnh: K.D)

Thủ công mỹ nghệ là một trong những ngành có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, mặc dù chỉ chiếm 1,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 1,9 tỷ USD, xuất khẩu sang hơn 163 quốc gia trên thế giới, nhưng ngành này lại có ý nghĩa xã hội rất lớn khi giải quyết hàng triệu việc làm trên cả nước. Sự khác biệt của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chính là dựa trên các yếu tố sản xuất bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm hàng thủ công, về chất lượng cũng như yếu tố giá thành. 

Các tham luận tại hội thảo đều cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức. Các mặt hàng sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng cao, cùng sự lựa chọn khắt khe của người tiêu dùng, thì điều quan trọng là cần phải tạo sự khác biệt và đẳng cấp của sản phẩm, thể hiện đặc trưng văn hoá của quốc gia khi sản xuất ra sản phẩm. Đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ, việc tập trung xây dựng thương hiệu ngành hàng thông qua các hoạt động thiết kế đóng vai trò ngày càng quan trọng, nhất là thời điểm này, trong tăng cường năng lực cạnh tranh và vị thế cho các doanh nghiệp, đặc biệt trên thị trường xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu khó tính, các doanh nghiệp cần tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hằng ngày, không nên sản xuất đại trà vì sẽ vấp phải sự cạnh tranh của các sản phẩm đến từ một số nước. 

Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam chia sẻ, trong kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ khách hàng càng ngày càng muốn cắt tối đa khâu trung gian. Trước đây, từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng phải qua 4 khâu nhưng nay chỉ còn từ 2-3 khâu nên vai trò của công ty thương mại sẽ giảm dần và tiến tới các nhà nhập khẩu sẽ làm việc trực tiếp với nhà sản xuất. Bên cạnh đó, khách hàng quan tâm hơn về sản xuất bền vững nên đây sẽ là xu hướng của thị trường thủ công mỹ nghệ. 

Do vậy, theo ông Lê Bá Ngọc, nhằm tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, Hiệp hội xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có chương trình đào tạo, cung cấp thông tin, kỹ thuật sản xuất, cung cấp thông tin thị trường.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực