Nhiều câu hỏi lớn đặt ra cho ngành nông nghiệp

Thứ năm, 23/02/2017 16:01
(ĐCSVN) - Sáng 23/2, tại Hà Nội, đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về những vấn đề phát triển của ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc với Bộ NN&PTNT (Ảnh: BT)

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm 2016, dù ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên hầu hết các loại nông sản (trừ lúa) đều tăng cả về năng suất, sản lượng với chất lượng được cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 5,7% USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao, đặc biệt là mặt hàng rau quả đã đạt kim ngạch 2,46 tỷ USD, tăng 33,4%. Đồng thời vẫn duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. 

Đến hết năm 2016, cả nước đã có 2.235 (25,07%) xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); còn 261 xã dưới 5 tiêu chí (3,36%). Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,45 tiêu chí/xã; 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn. Các địa phương có nợ đọng trong xây dựng NTM đã chủ động và từng bước có giải pháp xử lý; 17/25 địa phương có số nợ lớn đã giảm được 5.624 tỷ đồng, chiếm 36,8% tổng nợ. Đến tháng 12/2016, số nợ còn khoảng 9.654 tỷ đồng (tại thời điểm 31/1/2016 là 15.277 tỷ đồng).

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận, trong năm 2016, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, tình hình thị trường có nhiều biến động,…dẫn đến tăng trưởng âm của ngành trong 6 tháng đầu năm. Dù vậy, ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức, có bước phát triển tích cực trong những tháng cuối năm 2016.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra cho ngành nông nghiệp: Vì sao Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu, đất đai thuận lợi, người nông dân có kinh nghiệm canh tác nhiều năm nhưng nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chưa ngang tầm với một số nước trong khu vực và trên thế giới? Một số nông sản có thế mạnh của ngành nhưng giá trị còn thấp, hoặc điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường xuyên xảy ra đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Đến vấn đề 100% sản phẩm nông sản Việt Nam đã đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ sở hạ tầng về thủy lợi, điện, nước đã phục vụ đầy đủ cho sản xuất ngành nông nghiệp?

Trên tinh thần này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã có những gợi mở cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần tổ chức lại sản xuất gắn liền với cơ giới hóa, hiện đại hóa, sản xuất tập trung; áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa công nghệ sinh học, kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp. Với nguồn nước cho sản xuất, cần đảm bảo giữ được và phân phối, điều hòa nguồn nước từ sông ngòi đến các công trình thủy lợi. Trong vấn đề này, cần chú ý tới việc giữ rừng đầu nguồn, xây dựng các công trình tích nước từ các vùng trũng, kênh mương, đầm hồ và kết nối các công trình lại với nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần đảm bảo chất lượng giống tốt, có năng suất cao nhằm tạo ra sản phẩm tốt. Người nông dân sản xuất nông nghiệp cần có trình độ kỹ thuật cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và cần được đào tạo có hệ thống. Quan trọng nhất, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong tổ chức sản xuất cần tiếp cận với thị trường; trong đầu tư lấy hiệu quả là chính, giảm bao cấp. Với vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị sản xuất nông sản cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước cần đảm bảo chất lượng, sạch, tạo được thương hiệu cho sản phẩm của Việt Nam.

Tiếp thu những ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ sẽ tập trung cải cách hành chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm công vụ, đổi mới phương thức quản lý. Cùng với đó, rà soát, bổ sung kịp thời các vấn đề liên quan trong xây dựng Nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tập trung tháo gỡ những khó khăn trong tổ chức sản xuất; tổng hợp những vấn đề nút thắt hiện nay để tiếp tục báo cáo Quốc hội./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực