Những phát minh mới trong ngành công nghệ sản xuất máy công cụ của CHLB Đức

Thứ ba, 14/05/2019 22:44
(ĐCSVN) - Tại hội thảo, các công ty của Đức đã giới thiệu những công nghệ mới nhất của họ, từ những giải pháp số hóa trong sản xuất tới những phương thức sản xuất linh hoạt áp dụng công nghệ 4.0 cho tới những bước đột phá về công nghệ phục vụ cho các ngành trọng yếu của nền kinh tế như ngành cơ khí, sản xuất ô tô, ngành hàng không, vũ trụ và thiết bị y tế.
Hội thảo chuyên đề “Những phát minh mới trong ngành công nghệ sản xuất máy công cụ của CHLB Đức”

Ngày 14/5,  tại Tp. Hồ Chí Minh, Hiệp hội các nhà sản xuất máy công cụ CHLB Đức (VDW) kết hợp cùng với phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) tổ chức hội thảo chuyên đề “Những phát minh mới trong ngành công nghệ sản xuất máy công cụ của CHLB Đức”.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam trong ngành cơ khí và kinh doanh máy móc thiết bị, 11 nhà sản xuất máy công cụ hàng đầu của Đức cũng như các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam quan tâm tới công nghệ và những sáng tạo mới trong ngành này. Tại hội thảo, các công ty của Đức đã giới thiệu những công nghệ mới nhất của họ, từ những giải pháp số hóa trong sản xuất tới những phương thức sản xuất linh hoạt áp dụng công nghệ 4.0 cho tới những bước đột phá về công nghệ phục vụ cho các ngành trọng yếu của nền kinh tế như ngành cơ khí, sản xuất ô tô, ngành hàng không, vũ trụ và thiết bị y tế. Các chuyên gia cũng đưa ra những nhận định và kinh nghiệm thực tiễn trong việc nhập khẩu máy công cụ tại Việt Nam, những quy định của chính phủ Việt Nam và nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp Việt Nam nhằm hiện đại hóa máy móc dây chuyền sản xuất cũng như phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, qua đó giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc đầu tư máy móc thiết bị chất lượng cao và đặc biệt là sử dụng công nghệ uy tín “Made in Germany” trong quá trình công nghiệp hóa và tăng tính cạnh tranh bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều máy công cụ tới từ Đức, thể hiện qua sự tăng trưởng hết sức ấn tượng (3 con số) của tổng giá trị đơn hàng nhập khẩu máy móc công cụ của Đức vào Việt Nam năm 2018, tăng 215% so với năm 2017. CHLB Đức hiện là đối tác quốc gia quan trọng nhất trong khối Liên Minh châu Âu, cung cấp phần lớn máy công cụ cho Việt Nam.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam trong ngành cơ khí và kinh doanh máy móc thiết bị, 11 nhà sản xuất máy công cụ hàng đầu của Đức

Ngành công nghiệp máy công cụ Đức có thế mạnh rõ rệt trong việc cung cấp các giải pháp tổng thể về công nghệ, vượt xa so với sự cung cấp nghiêng về số lượng từ các đối thủ cạnh tranh ở châu Á và cũng được thị trường Việt Nam đánh giá cao. Đối mặt với sự lấn lướt từ các nhà cung cấp trong khu vực tại thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, các nhà sản xuất đến từ Đức đã nhận thấy sự cần thiết trong việc quảng bá và mở rộng hơn nữa sự hiện diện của họ tại đây.

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam nhận định: “Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây và sự gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thể hiện ở các Hiệp định thương mại tự do đang và sẽ có hiệu lực như CPTPP hay EVFTA cho thấy Việt Nam thực sự là một thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp Đức, ở hầu khắp các lĩnh vực, đặc biêt là trong ngành chế tạo máy. Qua buổi hội thảo chuyên đề này, chúng tôi mong muốn kết nối doanh nghiệp hai nước, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những công nghệ và giải pháp mới nhất trong ngành sản xuất máy công cụ, qua đó tăng năng suất lao động, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ cũng như tăng cường tính linh hoạt và lợi thế cạnh tranh của chính doanh nghiệp”./.

Tuấn Anh - Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực