Phải xử lý nghiêm cán bộ bao che, tiếp tay cho buôn lậu, hàng giả

Thứ sáu, 17/03/2017 17:53
(ĐCSVN) - “Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tập trung triển khai trong năm 2017.

Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: K.D)

Thông tin trên được công bố trong buổi họp báo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức ngày 17/3, tại Hà Nội. 

Số vụ xử lý vi phạm tăng 

Trong năm 2016, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia), các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng cũng đã đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo tinh thần Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 09/6/2015. 

Kết quả đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 223.262 vụ việc vi phạm (tăng 8,23% so với năm 2015); số thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt trên 21.556 tỷ đồng (tăng 59,23% so với năm 2015); khởi tố 1.560 vụ đối với 1.863 đối tượng. Kết quả này đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, riêng 02 tháng đầu năm 2017 (dịp Tết Nguyên đán), phát hiện, xử lý 27.327 vụ vi phạm, trong đó đã khởi tố 304 vụ với 389 đối tượng liên quan). 

Trong năm 2016, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tiếp nhận hàng trăm tin báo, qua phân tích đã chuyển 114 tin báo có cơ sở đến các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc thẩm quyền để xử lý theo quy định. Điển hình: Chuyển Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu phía Nam (C74B) kiểm tra, bắt giữ 90.000 bao thuốc lá lậu hiệu Jet và Hero tại xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; chuyển Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan điều tra, xác minh đối với 21 container (chứa trên 10 triệu bao) thuốc lá ngoại có dấu hiệu vi phạm tại cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. 

Nhận diện những tồn tại 

Tại buổi họp báo, nhiều ý kiến thắc mắc, xung quanh hiện tượng có cán bộ bao che, tiếp tay… cho buôn lậu, hàng giả nhưng chưa được xử lý triệt để; kết quả công tác đấu tranh chưa như mong đợi, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng: Cần nhận diện những tồn tại trong buôn lậu, gian lận thương mại như cơ chế chính sách thưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; các lực lượng chức năng phối hợp chưa chặt chẽ. Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất là con người; cần xác định trách nhiệm của cá nhân, tập thể đã được quán triệt kỹ tới các ban chỉ đạo. 

“Trên thực tế, có những vụ phát hiện được và đã xử lý nghiêm như vụ liên quan đến cán bộ hải quan An Giang. Khởi tố vụ án, bị can, bắt tạm giam, truy tố nhiều cán bộ hải quan truy cứu trách nhiệm hình sự. Các lực lượng khác khi phát hiện biểu hiện tiếp tay có thẩm tra xác minh. Có vụ không đủ căn cứ nhưng tiềm ẩn nguy cơ thì đều tính toán điều động luân chuyển. Năm 2017, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phải xây dựng quy chế trách nhiệm, đề cao tinh thần trách nhiệm. Nếu địa bàn nào xảy ra tình trạng buôn lậu phức tạp, phải xem xét trách nhiệm” - ông Thế cho biết. 

Năm 2017, bên cạnh nhiều công tác trọng tâm nhằm huy động và phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng từ Trung ương đến các địa phương; khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có hành vi bao che, tiếp tay cho buôn lậu./.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực