Phát động chương trình "Nhịp cầu thương hiệu – Kết nối thành công"

Thứ sáu, 29/11/2019 20:12
(ĐCSVN) – Trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm Ngày Phòng, chống hàng giả, hàng nhái (29/11/2019), Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam đã phát động chương trình “Nhịp cầu thương hiệu - Kết nối thành công” đúng ngày 29/11, tại Hà Nội.

Phát biểu phát động chương trình, ông Vũ Thiện Vương, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho hay, chương trình “Nhịp cầu Thương hiệu – Kết nối thành công” có ý nghĩa thiết thực, nói lên sự quan tâm, sẻ chia của Hiệp hội đối với công tác an sinh xã hội hiện nay. Đây là cơ sở để đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện các hoạt động an sinh xã hội của Hiệp hội và trở thành một hoạt động thường niên, liên tục của Hiệp hội và các thành viên Hiệp hội.

leftcenterrightdel
Ký cam kết xây dựng 01 cầu giao thông nông thôn tại thôn Khe Mạng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, dự kiến khởi công vào quý 1 năm 2020 (Ảnh: T.H)

Cùng với đó, chương trình là nhịp cầu kết nối, giới thiệu, tôn vinh những Hội viên đã có những đóng góp tích cực cho các hoạt động an sinh xã hội, đặc biệt ở những nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Vũ Thiện Vương, hàng năm, Hiệp hội tiến hành lựa chọn, khảo sát và vận động nguồn lực thực hiện hỗ trợ xây dựng các công trình an sinh xã hội tập trung tại địa bàn các xã vùng núi, biên giới, hải đảo khó khăn. Năm 2019, Hiệp hội lựa chọn xây dựng 01 cầu giao thông nông thôn tại thôn Khe Mạng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, dự kiến khởi công vào quý 1 năm 2020.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, Hiệp hội có chức năng phát động phong trào chống hàng giả, hàng nhái và mong muốn được đồng hành với các lực lượng thực thi nhiệm vụ là các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an, hải quan để công cuộc phòng, chống hàng giả, hàng nhái ngày càng hiệu quả hơn.

“Hiện nay, tại Việt Nam hầu hết các mặt hàng đều bị làm giả, từ những mặt hàng nhỏ nhất, điều này khiến cho ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta bị ảnh hưởng. Từ thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan chức năng vô cùng quan tâm, và đã có những chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, quá trình thực thi còn nhiều khó khăn dẫn tới hiệu quả chưa tương xứng’ – ông Bảo nhấn mạnh.

Cũng tại chương trình, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển chia sẻ, hiện nay, vấn đề bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và sáng tạo hàng hóa đang là vấn đề được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu của mình lại chính là vấn đề khiên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn… Điều này sẽ ảnh hương tới quá trình đàm phán trong khi tham gia các hiệp định thương mại quốc tế. Do đó, cần thiết phải tăng cường chế tài xử phạt vi phạm và chính sách khuyến khích sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại diện Tổng cục quản lý thị trường, ông Vũ Xuân Bính cho biết, trong năm vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý hàng nghìn vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 13.000 tỷ đồng, khởi tố 1.635 vụ với 1.908 đối tượng. Những con số nêu trên thể hiện sự nỗ lực cố gắng của lực lượng trong quá trình phòng chống hàng giả, hàng nhái trong thời gian vừa qua. Tới đây, lực lượng quản lý thị trường sẽ tổ chức triển khai kênh kết nối tới các doanh nghiệp. Hiện tại, lực lượng đã xây dựng một kênh kết nối trực tuyến, chỉ trong một thời gian rất ngắn người tiêu dùng có thể ngay lập tức gửi thông tin về những nghi ngờ hàng giả, hàng nhái tới cơ quan chức năng. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng có thể gửi thông tin bằng cách tương tự nếu nghi ngờ sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái.

Bà Vũ Thị Hồng Vân, Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, việc xác định được xuất xứ các hàng hóa của Việt Nam đang là một mối quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Trên thực tế, theo quy định của pháp luật đã có các nghị định, thông tư quy định rất rõ về nguồn gốc hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Nhằm giải đáp vấn đề này, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng một thông tư mới liên quan tới việc ghi nhãn hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam.

Để phòng ngừa vấn nạn hàng giả, hàng nhái các đại biểu đều nhất trí cao răng, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị thực thi pháp luật. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần rà soát, tham mưu, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ cấu tổ chức, cơ chế đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại hiệu quả hơn trong tình hình mới; cải thiện các nguồn lực phục vụ trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo xuất xứ về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị.../.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực