Phát triển kinh tế tinh thần cần quyết liệt như chống dịch COVID-19

Thứ tư, 06/05/2020 21:47
(ĐCSVN) – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thực hiện các nhiệm vụ như tinh thần Thủ tướng chỉ đạo, làm sao chúng ta phát triển kinh tế cũng quyết liệt như chống dịch COVID-19 vừa rồi, để sớm khôi phục nền kinh tế, đưa các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, hiệu quả.

Giảm các thủ tục không cần thiết, không gây khó khăn cho doanh nghiệp

Đây là yêu cầu của đồng chí Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại hội nghị giao ban công tác tháng 4/2020 của UBND TP Hà Nội diễn ra ngày 6/5.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống dịch trong 4 tháng năm 2020 được thành phố, các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết liệt, đặc biệt là trong công tác chống dịch COVID-19. Tuy nhiên về góc độ kinh tế, nhiều vấn đề về kinh tế-xã hội của Hà Nội không đạt theo kế hoạch, có nhiều biến động. Qua 4 tháng đầu năm tình hình thu, chi ngân sách đều thấp hơn so với cùng kỳ; kết quả giải ngân, chi thường xuyên cũng thấp hơn... nguyên nhân do tác động của dịch COVID-19.

Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị 

Cho rằng dịch bệnh sẽ kéo dài trên thế giới, chưa có tín hiệu kết thúc trong thời gian ngắn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp không để dịch bệnh quay trở lại, từ đó làm tiền để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Trong đó, về công tác phát triển kinh tế xã hội, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị phải tập trung đôn đốc các dự án đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án, tiếp tục tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển nhà ở trong các khu đô thị mới, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại.

Ngoài ra, phải tạo mọi điều kiện để tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, doanh nghiệp kết nối vận chuyển hàng hóa, bán hàng dưới nhiều hình thức khác nhau để kích cầu tiêu dùng.

Người đứng đầu thành phố Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính và cho rằng đây là giải pháp “xương sống” để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

“Tôi nắm được, có đồng chí phó phòng cầm hồ sơ của doanh nghiệp nước ngoài đến 8 tháng, lên đến Văn phòng UBND TP cũng kéo dài đến 1 tháng. Có gần 20 hồ sơ tính tiền sử dụng đất từ năm 2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển cho Sở Tài chính, nhưng các đồng chí không nhập vào hệ thống hồ sơ, xem xong lại “đá qua đá lại", có hồ sơ đá qua lại đến 6 vòng từ năm 2018 đến nay. Đề nghị các đồng chí phải chấn chỉnh lại ngay tình trạng này”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu. 

Đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh phải tháo gỡ mọi khó khăn trong thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, bởi thời gian là vàng, nếu để mất cơ hội chi phí sẽ tăng cao. Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Cán bộ phải thực sự nỗ lực công tâm và có nhiệt huyết làm việc, không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Về giáo dục, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng không nên chia giờ học và học sinh không cần đeo tấm chắn giọt bắn, nhưng cần làm tốt việc đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn các trang thiết bị đồ dùng học tập, bàn ghế.

Ngành giáo dục phải khẩn trương thí điểm ứng dụng tin học, công nghệ 3D và thực tế ảo từ THCS, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu giảm tải chương trình học và các kỳ thi, tổ chức thật khoa học và vẫn đảm bảo chất lượng, làm tốt công tác phòng chống dịch, không để dịch ở trường học.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị, sở ngành thực hiện các nhiệm vụ như tinh thần Thủ tướng chỉ đạo, làm sao chúng ta phát triển kinh tế cũng quyết liệt như chống dịch COVID-19 vừa rồi, để sớm khôi phục nền kinh tế Thành phố, đưa các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, hiệu quả. 

Sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo tại hội nghị 
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng tháng 4 giảm so với tháng 3 và giảm so cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 giảm 14% so với tháng 3/2020, giảm 4% so với tháng 4/2019; tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 4 giảm 9,7% so tháng 3/2020, giảm 10,2% so với tháng 4/2019; kim ngạch xuất khẩu tháng 4 giảm 7,4% so với tháng 3/2019, giảm 0,8% so với tháng 4/2019.

Về lượng khách du lịch lưu trú 4 tháng đầu năm giảm 57% (cùng kỳ tăng 4,8%), trong đó khách quốc tế giảm 58% (cùng kỳ tăng 5,8%).

Về lĩnh vực nông nghiệp, công tác gieo trồng và chăm sóc vụ xuân thuận lợi với tổng diện tích lúa xuân đạt 86 nghìn ha, giảm 4,2% so với cùng kỳ; đàn lợn đạt 1,2 triệu con, tăng 150 nghìn con so với tháng 3/2020; đàn trâu, bò đạt 154 nghìn con, tăng 0,8% so với cùng kỳ; đàn gia cầm đạt 35,5 triệu con, tăng 10,9% so với cùng kỳ.

Thu hút đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm đạt 981 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước đạt 8,45 nghìn tỷ đồng; có 7.780 doanh nghiệp thành lập mới nhưng có 805 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể; 5.075 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động

Cùng với phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua ngân hàng Chính sách xã hỗ trợ 8.500 lượt hộ gia đình vay vốn, giải quyết việc làm cho 8.950 lao động; ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 6.200 người, số tiền 143 tỷ đồng…

Tin, ảnh: Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực