Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, trong quá trình tìm hiểu, Quảng Ninh nhận thấy chương trình OVOP (mỗi làng một sản phẩm) của Nhật Bản và OTOP (mỗi cộng đồng một sản phẩm) của Thái Lan có thể áp dụng vào địa phương, nên ngay từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP), đến cuối năm 2016 tỉnh tiến hành sơ kết đánh giá hiệu quả của Đề án OCOP giai đoạn I (2013-2016) và tiếp tục phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn II (2017-2020) với những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nâng tầm cao mới phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, Quảng Ninh xác định OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, hạn chế tình trạng di cư từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Sau hơn 5 năm triển khai chương trình với các nhóm giải pháp quan trọng được thực hiện như: Xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về chương trình; thành lập hệ thống tổ chức (Ban Điều hành OCOP) và hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách có kỹ năng nghiệp vụ về chuyên môn ở cấp tỉnh và 14 huyện, thị xã, thành phố; Ban hành Bộ công cụ quản lý; xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách. Đã huy động trên 500 tỷ đồng để phát triển sản xuất thuộc Chương trình OCOP, trong đó ngân sách tỉnh chiếm 15,8%, số còn lại là huy động các nguồn lực xã hội. Phát triển 130 tổ chức kinh tế và cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP (35 doanh nghiệp, 49 hợp tác xã và 46 hộ sản xuất).
Gà Tiên Yên đang giúp nhiều nông dân làm giàu chính đáng
(Nguồn: kinhtenongthon.vn)
Những kết quả tích cực
Theo đó, sản phẩm OCOP liên tục phát triển, năm 2018 có 322 sản phẩm, trong đó 138 sản phẩm đạt sao từ 3-5 sao (75 sản phẩm đạt 3 sao, 56 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 5 sao); trên 90% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc. Tổng doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất OCOP năm 2018 đạt 311 tỷ đồng, tạo trên 2.600 việc làm, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn được cải thiện đáng kể, từ 10 triệu đồng/người (năm 2010) lên 38,5 triệu đồng/người (năm 2018).
Có thể kể đến một số sản phẩm tiêu biểu của Chương trình OCOP, như: Mô hình trồng cây trà hoa vàng tại huyện Ba Chẽ. Trước đây, cây trà hoa vàng chủ yếu mọc rải rác tự nhiên trong rừng, người dân thu hái, chặt bán theo yêu cầu của thương lái Trung Quốc ở dạng thô nên lợi nhuận kinh tế không ổn định, thiếu tính bền vững. Tuy nhiên, nhờ có OCOP, hộ gia đình anh Nịnh Văn Trắng đã đưa trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP được trồng và chế biến sâu. Đến nay, huyện Ba Chẽ bắt đầu quy hoạch vùng sản xuất trà hoa vàng với diện tích 500 ha. Việc ứng dụng, sản xuất được cây giống đã đáp ứng nhu cầu cho các hộ tham gia trồng và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần cho xã Đạp Thanh là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (xã 135) hướng tới hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Hoặc như gà Tiên Yên, từ xưa đến nay được biết đến là đặc sản nổi tiếng của Quảng Ninh với đặc tính thịt thơm ngon, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công bố nằm trong Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Nhưng qua thời gian, gà Tiên Yên cũng lai tạp, mai một dần và cũng nhờ có Chương trình OCOP, gà Tiên Yên đã được phục tráng, khôi phục từng bước theo tiêu chuẩn VietGap, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đeo nhẫn truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP ở chân gà trước khi xuất bán. Đến hết năm 2018, sản lượng gà Tiên Yên đạt 424 tấn thịt hơi, với giá bán từ 150 đến 250 ngàn đồng/kg; tổng giá trị đạt trên 84 tỷ đồng, tăng trên 10 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư, sản phẩm đã được thị trường đón nhận.
Ngoài ra còn các sản phẩm như: Lợn Móng Cái, ba kích Ba Chẽ…, đây là minh chứng cách làm mới để phát huy sản phẩm thế mạnh của địa phương nâng cao thu nhập cho người dân góp phần xây dựng nông thôn mới.
Những kết quả của Chương trình OCOP được triển khai thành công bước đầu và là hiệu ứng lan tỏa trong cả nước, sẽ có các bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, giúp xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất hơn. Ðể khuyến khích phát triển sản phẩm, từ ý tưởng cũng như nhu cầu, khả năng thực tế của mỗi cơ sở sản xuất, chương trình đề ra một “sân chơi” mở, không đóng khuôn và chưa có tiền lệ, nhưng theo một chu trình, được kiểm soát chặt chẽ (gọi là Chu trình OCOP) được thực hiện theo sáu bước (gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn; nhận ý tưởng sản phẩm; kế hoạch kinh doanh; triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp huyện, tỉnh; xúc tiến thương mại), theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế phát triển sản xuất sản phẩm hướng theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
Kinh nghiệm thực hiện OCOP từ Quảng Ninh
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo liên tục của người dân. Đặc biệt là phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân, trọng tâm vai trò của đội ngũ cán bộ chuyên trách, đội ngũ chuyên gia và các tổ chức kinh tế là rất quan trọng. Từ đó, Quảng Ninh rút ra bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, coi Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cộng đồng. Do đó, cần nhận thức đúng về nó, ứng xử với nó đúng các quy luật kinh tế và gắn với lợi ích của đối tượng cần hướng tới phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong chỉ đạo triển khai thực hiện. Phân công lãnh đạo đứng đầu Ban Chỉ đạo/Ban Điều hành có đủ thẩm quyền quyết định các nhiệm vụ của Chương trình. Cần hình thành nên Bộ máy chỉ đạo đủ mạnh, có quy chế làm việc, có phân công phân nhiệm rõ ràng và thường xuyên kiểm điểm, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm. Cơ quan điều phối cấp tỉnh hình thành bộ phận nghiệp vụ OCOP, cấp huyện cần có từ 1-2 cán bộ chuyên trách tham mưu giúp việc được đào tạo để có trình độ năng lực, nhận thức, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao.
Hai là, thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai Chương trình đến đội ngũ cán bộ các cấp, đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng về Chương trình, về sản phẩm OCOP; thông qua tập huấn, hội thảo, tọa đàm từ tỉnh đến cộng đồng dân cư. Từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.
Ba là, tổ chức quản lý Chương trình khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện. Thiết lập được tính pháp lý của toàn bộ chương trình (Chu trình, tài liệu hướng dẫn, Bộ Tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá và phân hạng sản phẩm, hệ thống chính sách,..). Xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; thương hiệu của từng sản phẩm; kế hoạch chuyên biệt, cụ thể, bài bản về phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia. Trong đó, xác định hình thành chuỗi sản phẩm OCOP cấp tỉnh và chuỗi sản phẩm OCOP cấp quốc gia gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi.
Bốn là, tập trung chỉ đạo điểm tạo bước đột phá ngay từ nhóm sản phẩm OCOP đầu tiên, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số mã vạch, dán tem truy suất nguồn gốc... đảm bảo theo quy định.
Năm là, coi trọng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ hộ sản xuất sản phẩm thông qua việc đào tạo chuyên sâu về kiến thức quản trị kinh doanh, quản lý sản xuất; đẩy mạnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để cọ sát, nâng cao, mở rộng tư duy, tầm nhìn, có chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Đây là cơ sở duy trì bền vững hệ thống sản xuất, dịch vụ của cả tỉnh.
Sáu là, xác định xúc tiến thương mại là bước then chốt của chu trình, Quảng Ninh đã triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức thường niên Hội chợ OCOP Quảng Ninh; triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu tạo lập, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững…
Có thể thấy, Chương trình OCOP ở Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Và, kinh nghiệm từ Quảng Ninh có thể hỗ trợ quan trọng cho các địa phương thực hiện mục tiêu kế hoạch đến hết quý II/2019 cả nước sẽ phê duyệt xong đề án/kế hoạch OCOP cấp tỉnh; góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy phong trào và kinh tế nông thôn phát triển./.