Phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Hà Nội

Thứ sáu, 21/08/2020 23:21
(ĐCSVN) - Chiều 21/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Xây dựng và UBND Thành phố (TP); các cơ chế, chính sách và những vấn đề lớn trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của TP Hà Nội; các vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất nội dung cần thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Hà Nội thảo luận, thông qua các dự thảo văn kiện lần cuối để báo cáo Bộ Chính trị

Xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập của Thủ đô

Phấn đấu năm 2025, đầu tư cho khoa học và công nghệ chiếm 70% tổng đầu tư của Hà Nội

Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học và công nghệ dẫn đầu cả nước

 Quang cảnh hội nghị.  

Các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phạm Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc, về phía TP Hà Nội có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội;  Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự Đảng và UBND TP Hà Nội; các Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Lê Quang Hùng, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Văn Sinh; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Tiên; Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An…

Đề xuất 15 nội dung phối hợp, kiến nghị tháo gỡ 20 khó khăn

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, Hà Nội đã ban hành và triển khai Chương trình số 06 về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh hơn và khang trang, hiện đại hơn.

Tuy nhiên, Hà Nội là đô thị đặc biệt, đang trong quá trình phát triển, tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Trong nhiệm kỳ tới, có ít nhất 5 huyện phát triển lên quận. Cùng đó, tốc độ gia tăng dân số cơ học cũng rất nhanh, đặt ra nhiều vấn đề mới phát sinh, nhiều việc khó, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị.  Chẳng hạn, việc cải tạo chung cư cũ phải vừa bảo đảm quy hoạch, vừa thu hút được nhà đầu tư, hay vấn đề quản lý khu phố cổ, làm sao để vừa bảo tồn, vừa phát triển... Đây đều là những "bài toán khó" mà chỉ riêng thành phố không thể giải quyết được.

  Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Chính vì thế, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn, thông qua buổi làm việc, không chỉ giúp Thành phố giải quyết những khó khăn trước mắt, mà còn xây dựng những định hướng chiến lược trong những năm tới; đồng thời, trao đổi, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý xây dựng, đô thị, quản lý thị trường bất động sản, cấp nước sạch, thu gom và xử lý chất thải rắn, chiếu sáng đô thị...

 Báo cáo về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết, Bộ Xây dựng đã hỗ trợ Hà Nội trên 5 lĩnh vực chính. Về công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội đã phê duyệt 59/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án là 83%, theo diện tích là 86%. Thành phố cũng đã phê duyệt khoảng 216 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị riêng với tổng diện tích khoảng 14.116,3ha.

 Thành phố đã chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thu hút hiệu quả đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở mới với nhiều khu đô thị đã và đang xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Đến nay, toàn Thành phố có trên 1.000 tòa nhà chung cư cao tầng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, nâng diện tích nhà ở bình quân đến hết năm 2019 đạt 27,09m2/người, dự kiến hết năm 2020 đạt 27,25m2/người, vượt chỉ tiêu chương trình phát triển nhà ở được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thành phố đã hoàn thiện Đề án cải tạo xây dựng mới các chung cư cũ báo cáo Bộ Xây dựng theo quy định Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tổ chức thực hiện kiểm định 33 công trình nhà chung cư cũ; chỉ đạo rà soát, lập danh mục kiểm định các nhà chung cư cũ giai đoạn 2020-2022 (dự kiến 177 công trình).

Thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện 4.000 tấn/ngày tại Nam Sơn, Sóc Sơn; khẩn trương chuẩn bị đầu tư các dự án 1.500 tấn/ngày tại Xuân Sơn, Sơn Tây và 1.500 tấn/ngày tại Đồng Ké, Chương Mỹ. Hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu trồng 1 triệu cây xanh; tiếp tục trồng thêm 600.000 cây năm 2019 - 2020. Riêng năm 2019, toàn Thành phố đã trồng hơn 581 nghìn cây đô thị, bóng mát (chưa bao gồm 124.039 cây ăn quả), đạt 102,4% kế hoạch. Thành phố đã thực hiện được 146/253 tuyến hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực, nâng số tuyến hạ ngầm giai đoạn 2016-2020 lên 336 tuyến. Thành phố tiếp tục ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong công tác hạ ngầm khoảng 300 tuyến với 5 Tập đoàn, Tổng công ty để thực hiện giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, Thành phố thực hiện hiệu quả mô hình thí điểm tổ chức Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị tại các quận, huyện, thị xã, nhờ đó tỷ lệ công trình vi phạm giảm mạnh (năm 2016 là 13,5%; năm 2017 là 10,99%; năm 2018 là 5,22% và năm 2019 còn 3,07%). Hiện nay, UBND TP đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian thí điểm mô hình các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, tiến độ hoàn thành các quy hoạch chung, đô thị vệ tinh, phân khu, cải tạo các khu chung cư cũ còn chậm; chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng không đúng nơi quy định vẫn diễn ra ở một số tuyến, trục đường; công tác đảm bảo trật tự xây dựng đô thị kết quả chưa vững chắc; vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô vẫn còn những diễn biến phức tạp như: xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công,...

Tại buổi làm việc, TP Hà Nội đề xuất 15 nội dung phối hợp với Bộ Xây dựng và đề xuất, kiến nghị tháo gỡ 20 khó khăn, vướng mắc trên 5 lĩnh vực chính. Trong đó, Thành phố kiến nghị Bộ thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho UBND TP phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; thực hiện lộ trình di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học và các trụ sở bộ, ngành, cơ quan Trung ương… trong nội thành Hà Nội, bàn giao quỹ đất cho Thành phố để bổ sung xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc.

Đáng chú ý, Hà Nội đề xuất Bộ Xây dựng ủng hộ chủ trương của thành phố và phối hợp với Hà Nội trong xây dựng, trình phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025; Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố. Hướng dẫn về đầu tư xây dựng các công trình nhà ở hiện có trên bãi sông thuộc địa bàn TP Hà Nội, làm cơ sở tháo gỡ khó khăn trong công tác cấp phép xây dựng, đảm bảo việc sinh sống ổn định, giải quyết các nhu cầu xây dựng của người dân tại các khu vực nêu trên.

Phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành và TP Hà Nội đã trao đổi, thảo luận, tập trung làm rõ những vấn đề mà Hà Nội kiến nghị, đề xuất. Đáng chú ý, các Thứ trưởng Bộ Xây dựng đều thống nhất với những đề xuất của thành phố về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn để cải tạo chung cư cũ; ủng hộ giải pháp đột phá là điều chỉnh quy hoạch, nâng cao số tầng tòa nhà xây dựng tại các khu chung cư cũ để thu hút nhà đầu tư, cho phép thực hiện dự án khi có từ 70% đến 80% số người dân trong chung cư cũ đồng ý….

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn thực hiện quy chuẩn mới về phòng cháy chữa cháy có hiệu lực từ ngày 1/7/2020; hỗ trợ Thành phố đi trước về công tác quy hoạch tại các huyện, xã chuẩn bị lên quận, phường; tháo gỡ vấn đề cải tạo các trường học bằng cách nâng tầng khắc phục tình trạng thiếu quỹ đất ở 4 quận nội đô. Đặc biệt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Bộ sớm phê duyệt thủ tục tạo điều kiện cho Thành phố triển khai kịp thời việc sửa chữa, cải tạo Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô phục vụ tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đánh giá cao chủ trương của Thành ủy Hà Nội, trực tiếp là đồng chí Bí thư Thành ủy, đã làm việc với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực cho Thủ đô. Cũng theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, từ khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã trở thành đô thị đứng thứ 30 trong số 40 đô thị đông dân nhất thế giới. Những vấn đề về phát triển hạ tầng đô thị tạo ra thách thức lớn đối với chính quyền thành phố.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. 

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, quản lý và phát triển đô thị là yếu tố cốt lõi đóng góp vào sự phát triển bền vững của Hà Nội trong 5 năm tới, do đó, thành phố cần tập trung quan tâm lĩnh vực này. Trước hết, Hà Nội cần khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, vì sau gần 10 năm thực hiện đã xuất hiện nhiều yếu tố khách quan đòi hỏi phải thay đổi, nhất là yêu cầu về phát triển bền vững, đáp ứng tầm nhìn phát triển đô thị Hà Nội trong giai đoạn tới. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Hà Nội ngay trong những khâu đầu tiên của việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, giúp rút ngắn thời gian của quá trình điều chỉnh. Trước mắt, hai bên có thể thành lập ngay một tổ công tác chung để phối hợp đồng bộ thực hiện việc này

Đề cập đến vấn đề “nóng” là cải tạo chung cư cũ, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, đây là vấn đề khó khăn chung của cả nước, không phải của riêng Hà Nội, trong đó vướng mắc chính là về cơ chế, chính sách ở cả luật và các văn bản dưới luật. Để cùng Hà Nội tháo gỡ vấn đề này, Bộ Xây dựng xác định, tới đây, với những vướng mắc liên quan đến các nghị định, Bộ sẽ cùng Hà Nội kiến nghị Chính phủ tháo gỡ ngay; với những vướng mắc thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật thì sẽ kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho thực hiện thí điểm. Ngay trong tuần tới, Bộ Xây dựng sẽ làm việc với UBND TP để xem xét về đề án cải tạo 11 chung cư cũ mà thành phố gửi xin ý kiến.

Đối với đề xuất những vấn đề phối hợp giữa Bộ Xây dựng và TP Hà Nội trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, trong thời gian qua việc phối hợp giữa hai cơ quan có nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết hiệu quả, chưa kịp thời. Vì vậy, việc phối hợp trong thời gian tới sẽ thực hiện theo 3 hướng đó là: Tập trung giải quyết những vấn đề lớn; Tăng cường phân cấp, ủy quyền tối đa cho Hà Nội trong việc thực hiện thẩm quyền giải quyết thủ tục liên quan đến các lĩnh vực kiến trúc, nhà ở, thị trường bất động sản; Đơn giản hóa và giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

Tập trung phối hợp giải quyết những vấn đề lớn có tính chiến lược

Nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, mục tiêu tổng quát phát triển đô thị của Hà Nội trong giai đoạn 2020-2025 là đổi mới căn bản và toàn diện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhằm phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững; phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; đầu tư mở rộng khu vực đô thị, xây dựng một số đô thị vệ tinh và đô thị thông minh; tăng cường quản lý đất đai, môi trường, xây dựng, kỷ cương và văn minh đô thị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, để thực hiện thành công mục tiêu đó, ngoài nỗ lực của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của nhân dân, Hà Nội rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, trong đó có Bộ Xây dựng. Đồng chí mong muốn, trên cơ sở những nội dung đã trao đổi và thống nhất tại buổi làm việc, Bộ Xây dựng sẽ có kế hoạch tăng cường phối hợp, hỗ trợ thành phố giải quyết các vấn đề sẽ được nêu trong biên bản ghi nhớ và thông báo kết luận buổi làm việc, trước hết là những vấn đề quan trọng, cấp thiết như quy hoạch, nhất là quy hoạch nông thôn gắn với phát triển đô thị; xây dựng quy chế quản lý kiến trúc; thực hiện chương trình phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị; phát triển nhà ở xã hội...

 Lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ Xây dựng ký biên bản hợp tác trong thời gian tới.

Về vấn đề cải tạo chung cư cũ và quy hoạch phân khu sông Hồng, Bí thư Thành ủy cho biết, từ năm 2012, dù thành phố đã có nhiều phương án, đề án nhưng hiện vẫn đang vướng. Chủ yếu do quy định luật làm sao bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa nhà đầu tư - người dân - công tác quản lý Nhà nước. Từ đó, đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trình Chính phủ, Thủ tướng giải quyết những vấn đề trong thẩm quyền.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhất trí cao việc cùng Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo thành lập một tổ công tác chung để tập trung phối hợp giải quyết những vấn đề lớn có tính chiến lược cho Thủ đô. Đánh giá cao cam kết tăng cường phân cấp, ủy quyền tối đa cho Hà Nội và giảm 50% thời gian giải quyết các vấn đề thủ tục và đề xuất, kiến nghị của thành phố, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND TP, các sở, ban, ngành thành phố phải thực hiện với tinh thần đó; tích cực, chủ động, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ Xây dựng cũng như các bộ, ban, ngành trung ương để giải quyết những vấn đề cấp thiết đạt hiệu quả.../.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực