Phụ nữ Đất Mũi tự tin khởi nghiệp

Thứ sáu, 20/09/2019 01:14
(ĐCSVN) - Phong trào đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp ở tỉnh Cà Mau như luồng gió mới khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong chị em phụ nữ. Bước đầu khởi nghiệp sẽ có nhiều khó khăn, nhưng với những kiến thức, vốn sống tích luỹ và sự quyết tâm cùng sự trợ lực của các cấp Hội phụ nữ đã giúp chị em bước đầu đạt được thành công.
TP. Cà Mau là địa phương triển khai khá hiệu quả mô hình hỗ trợ hội viên khởi nghiệp

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế được các cấp Hội phụ nữ tỉnh Cà Mau xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của hội, để thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa nâng cao bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, tạo tiền đề cho xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Cà Mau đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong lối nghĩ, cách làm, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chị em phụ nữ tiếp cận thị trường, sản xuất hàng hoá, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Trong đó, tích cực vận động phụ nữ đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; xây dựng các mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững; phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới... được nhiều hội viên phụ nữ hưởng ứng tích cực với mục đích tương trợ, giúp nhau ngày công, giống, vốn, kinh nghiệm làm ăn.

Phó Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Cà Mau, chị Đào Hồng Quyết cho biết: Đến nay, đã giải ngân 21 dự án từ các nguồn vốn do Hội phụ nữ tỉnh quản lý với số tiền hơn 1,4 tỉ đồng, hỗ trợ cho 371 hội viên phụ nữ có vốn khởi nghiệp chăn nuôi, sản xuất, phát triển các làng nghề làm mắm, làm cá khô, trồng màu phát triển kinh tế gia đình ở 18 xã, thị trấn nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương và củng cố nâng cao chất lượng hoạt động chi hội, tổ phụ nữ tại các ấp, khóm địa bàn triển khai dự án. “Tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình huy động vốn nội lực tại các chi, tổ hội, đến nay có 6.123 tổ tiết kiệm, có 155.252 thành viên tham gia, tổng số tiền huy động được trên 52 tỉ đồng, giúp hơn 30.000 chị, trong đó thành lập mới 30 tổ tiết kiệm, với số tiền huy động được 1 tỉ đồng giải quyết hơn 112 chị mượn. Giúp 2.821 chị phụ nữ khó khăn về vốn bằng nhiều hình thức như cho mượn tiền, vàng, lúa, gạo, bán chịu các loại cây con giống, giúp nhau ngày công lao động với tổng giá trị trên 3,3 tỉ đồng” – chị Quyết nói.

TP. Cà Mau là địa phương triển khai khá hiệu quả mô hình hỗ trợ hội viên khởi nghiệp. Thông qua việc triển khai rộng rãi đến các cơ sở, thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo, khó khăn, đơn thân...cán bộ hội đã có những biện pháp hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện để chị em được vay vốn, đầu tư trồng trọt, chăn nuôi hoặc buôn bán nhỏ... nhằm cải thiện thu nhập và dần dần cho ra đời nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như tổ hợp tác trồng màu giúp phụ nữ khởi nghiệp (xã Lý Văn Lâm), chăn nuôi gà thương phẩm (xã An Xuyên), mua bán nông, thủy sản (phường 1)...

Chủ tịch Hội LHPN TP. Cà Mau Huỳnh Trúc Duyên cho biết: Chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi sự khởi nghiệp kinh doanh được thực hiện bằng sự vận động từ các hội viên của 7 xã, phường. Ngoài vốn hỗ trợ khởi nghiệp, các chi hội còn xây dựng mô hình tổ hùn vốn xoay vòng. Mô hình này được triển khai theo hình thức các hội viên tiết kiệm để giúp phụ nữ nghèo có vốn ban đầu khởi nghiệp. Ngoài ra, còn có hình thức khác như tạo vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tiết kiệm tại chỗ giúp chị em có vốn mua bán nhỏ nâng cao đời sống. Cán bộ Hội phụ nữ thường xuyên khảo sát, định hướng việc làm, tư vấn ngành nghề, liên hệ địa điểm…giúp chị em tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Sau gần 1 năm nhận hỗ trợ 3 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, công việc mua bán tôm tép và cá biển của chị Trần Ngọc Liên (khóm 1, phường 1, TP. Cà Mau) ngày càng phát triển. Chị Liên tâm sự: Gia đình bán cá biển gần 5 năm, nhưng do ít vốn nên lượng hàng hoá rất ít, rồi khi kẹt vốn phải vay nóng bên ngoài. Năm rồi được hỗ trợ tiền, chị dùng để mua cá biển và cân tôm tép ở chợ Đầm Dơi về giao cho người bán ngoài chợ. Từ khi được hỗ trợ vốn mua bán, kinh tế gia đình đỡ hơn và cũng có điều kiện lo cho con gái học đại học.

Trước đây hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn, khi được Hội phụ nữ xã Lý Văn Lâm (TP. Cà Mau) xem xét hỗ trợ vay vốn số tiền 1 triệu đồng, chị Trương Thị Đối, Tổ hợp tác trồng màu ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm đã đầu tư mua hạt giống và trồng trên diện tích hơn 3.000 m2. Sau 6 tháng trồng và thu hoạch theo từng đợt, với giá bán ra trung bình 10.000 đồng/kg, số tiền mang lại từ vườn rau là 25 triệu đồng chưa trừ chi phí. Từ thành công bước đầu, chị tiếp tục tìm tòi học hỏi, phát triển mô hình trồng màu, đến nay vườn rau luôn cho nguồn thu nhập ổn định...

Với nhiều cách làm mạnh dạn, sáng tạo, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Cà Mau trở thành chỗ dựa vững chắc của phụ nữ trong phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân tương ái trong các tầng lớp phụ nữ. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ, giúp chị em phấn khởi tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên trong cuộc sống, từng bước nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực