Tăng cường hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng

Thứ ba, 19/09/2017 19:58
(ĐCSVN) - Ngày 19/9, Diễn đàn các hành lang kinh tế lần thứ 9 (ECF - 9) trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) do ADB tài trợ diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của các Bộ trưởng và các quan chức chính phủ các nước trong GMS (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) cũng như cán bộ cấp cao của ADB.
Diễn đàn tăng cường hợp tác trong khu vực GMS. (Ảnh: K.D)

Phát triển hành lang kinh tế trong khu vực GMS có vai trò ngày càng quan trọng kể từ năm 1998 khi phương pháp tiếpcận hành lang kinh tế được thông qua và kể từ năm 2002 khi các hành lang kinh tế Đông – Tây, Bắc – Nam và Hành lang kinh tế phía Nam được xác định là các chương trình đi đầu trong Khung khổ Chiến lược GMS giai đoạn 2002 - 2012. Khung khổ chiến lược GMS kế tiếp giai đoạn 2012 – 2022 được gắn chặt với việc phát triển các hành lang kinh tế. 

Tại diễn đàn lần này, các đại biểu đã thống nhất về các biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của các hành lang kinh tế, tạo thuận lợi cho thương mại và giao thông giữa các quốc gia GMS, thúc đẩy sự hợp tác và tham gia của khu vực tư nhân, cũng như điểm lại các sáng kiến giao thông xuyên biên giới và thương mại tại khu vực.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, trong thời gian qua, các nước thành viên GMS đã triển khai mạnh mẽ các chương trình tiểu vùng sông Mekong, các sáng kiến trong khu vực được sử dụng nhiều và đạt kết quả cao. ECF – 9 là cơ hội xem xét làm thế nào để xây dựng một diễn đàn hiệu quả, điều phối nỗ lực thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế GMS. Đồng thời giúp các nước thành viên tối ưu hóa tiềm năng của khu vực để gia tăng lợi ích kinh tế thông qua các hoạt động hợp tác, tạo công ăn việc làm lâu dài cho người dân sống tại khu vực GMS.

Ông Ramesh Subramaniam - Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cũng chia sẻ: “Mục tiêu diễn đàn GMS là làm sâu sắc và mở rộng những lợi ích, nỗ lực chung của các nước thành viên trong khu vực mang lại. Trong nhiều năm trở lại đây, các nước thành viên GMS đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong việc phát triển hành lang kinh tế. Đặc biệt, những tuyến giao thông đã gần như đạt được sự hoàn thiện và chúng ta đã mở rộng một số hành lang kinh tế nhằm kết nối tất cả thủ đô, những trung tâm phát triển lớn, những cửa khẩu, đường biển”.

Theo đó, sự phát triển của hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mekong đóng vai trò quan trọng đối với 6 thành viên quốc gia, giúp các nước thúc đẩy hoạt động thương mại hạ tầng, du lịch trong khu vực địa lý cụ thể này. ECF – 9 thể hiện cam kết cũng như nỗ lực của các thành viên tiểu vùng sông Mekong, thúc đẩy hoạt động về giao thông, thuận lợi về hàng hóa, hoạt động thương mại xuyên biên giới, đầu tư và phát triển doanh nghiệp./.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực