Tạo tiền đề cho nông sản tham gia các Hiệp định thương mại tự do

Thứ tư, 26/06/2019 20:50
(ĐCSVN) - Với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng, nhất là các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA), nông nghiệp đã vươn lên với sự thay đổi vượt bậc trong năng lực sản xuất của doanh nghiệp và nông dân, từng bước tạo tiền đề quan trọng trong liên kết chuỗi, hướng đến phát triển bền vững.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều đại diện cơ quan, ban ngành liên quan (Ảnh: A.N)  

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị “Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay 26/6, tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam sẽ được ký vào ngày 30/6/2019, tại Hà Nội. Đến nay, Việt Nam tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương, đã được ký kết; trong số đó, nhiều FTA với những đòi hỏi, yêu cầu chuẩn mực rất cao, tác động trực tiếp, sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, quản trị của quốc gia, chính sách phát triển kinh tế, xã hội… Tác động của hội nhập không chỉ trong bộ, ngành địa phương mà còn tác động đến từng doanh nghiệp, người dân và sản xuất trong nước nói chung, ngành Nông nghiệp nói riêng.

Đáng chú ý, với hội nhập quốc tế, Việt Nam đã chuyển từ bị động sang chủ động; có chuyển biến quan trọng cả về cơ cấu phát triển kinh tế, chất lượng phát triển kinh tế cũng như chiến lược đối ngoại, lấy nền tảng là đa phương hóa, đa dạng hóa…“Trong tất cả các ngành kinh tế lớn của Việt Nam, giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD thì nông nghiệp chiếm phần lớn, tuy nhiên, nông nghiệp vẫn gặp một số trở ngại về: Chất lượng, năng lực cạnh tranh, công nghệ chế biến, tiêu chuẩn kỹ thuật… khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do. Chúng ta còn nhiều dư địa để triển khai công tác nghiên cứu, tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực cũng được đánh giá là cơ hội cho ngành Nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định: Hai hiệp định tự do hóa thương mại thế hệ mới CPTPP và EVFTA không chỉ tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản mà còn nâng cao năng lực cho ngành Nông nghiệp Việt Nam vốn còn rất nhiều dư địa. Đối với Hiệp định EVFTA sắp được ký kết, Việt Nam sẽ cắt giảm 24% số dòng thuế nông sản cam kết về 0% ngay năm đầu và cắt giảm 99% sau 10 năm. Các nước châu Âu sẽ cắt giảm về 0% lần lượt năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết. Còn đối với CPTPP, nông sản Việt Nam sẽ được xóa bỏ ngay 78-95% số dòng thuế…

Về thị trường, CPTPP, châu Âu và các nước ASEAN là những thị trường xuất khẩu lớn, tiềm năng. Hiện các thị trường này đang chiếm 34,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và tăng trưởng 5,4%/năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường CPTPP rất nhanh với tốc độ bình quân 7,2%/năm và 6,15%/năm với châu Âu trong cùng giai đoạn. Đối với thị trường ASEAN - đây không chỉ là thị trường xuất khẩu mà còn là thị trường cung cấp đầu vào lớn của Việt Nam.

Hiện nay, nhiều áp lực, thách thức với doanh nghiệp và nông dân, đòi hỏi vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ban, ngành trong việc xây dựng chính sách; thực thi pháp luật nhằm bảo đảm hiệu quả cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp - đây được coi là mục tiêu xuyên suốt.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ thêm, tổng GDP của thị trường CPTPP và EVFTA là hơn 30% GDP toàn cầu; tổng giao dịch thương mại khoảng 35% toàn cầu. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không nỗ lực thì Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội ngay trên “sân nhà”.

Tại Hội nghị, các hiệp hội, ngành hàng, địa phương đã cùng trao đổi, xác định những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở, để từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn lên tầm cao mới, cạnh tranh quốc tế. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi về nhận thức, tư duy trong hội nhập, đồng thời cải cách thể chế và chính sách để tạo thuận lợi thúc đẩy môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và đảm bảo tuân thủ các cam kết. Trong đó, cách tiếp cận và thực hiện phải hướng tới phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội - môi trường, không đánh đổi về môi trường để lấy kinh tế./.

An Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực