Thái Nguyên đồng hành cùng nhà đầu tư

Thứ ba, 07/07/2020 14:42
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, với chủ trương đúng đắn, chính sách cởi mở, thông thoáng, đặc biệt là quan điểm xuyên suốt “đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, từng bước đưa địa phương vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư.
Thái Nguyên có hệ thống giao thông đồng bộ và thông suốt . 

Động lực từ FDI

Trên cơ sở "vốn liếng" sẵn có cùng đội ngũ công nhân kỹ thuật tay nghề cao, Thái Nguyên tập trung kêu gọi đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển các hệ thống hạ tầng công nghiệp. Điển hình là việc kêu gọi Samsung đầu tư nhà máy tại Thái Nguyên.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5/6 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy đạt 59,8%; 23/35 cụm công nghiệp được hình thành, tỷ lệ lấp đầy đạt 41,73%.

Đây là động lực phát triển mạnh cho Thái Nguyên. Lực lượng lao động lớn được thu hút về đây để tham gia chuỗi quá trình phát triển công nghiệp tạo ra lao động mới, dân số mới: trẻ, trí thức, có trình độ, mang lại sự phát triển sôi động của thành phố.

Thời gian qua, dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng nhờ tích cực cải cách hành chính, mời gọi đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất, nên từ đầu năm đến nay có 18 dự án đầu tư mới, nâng tổng mức đầu tư với số vốn 44,5 triệu USD và 1.400 tỷ đồng đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên.

Ông Trần Văn Long, Phó ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi cấp Giấy chứng nhận đầu tư 8 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư gần 29 triệu USD và một dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng. Đây đều là những dự án thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 9 dự án, tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 16 triệu USD và 1.382 tỷ đồng".

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút 233 dự án, trong đó có 117 dự án FDI với tổng số vốn hơn 8,4 tỷ USD và 116 dự án trong nước, với tổng số vốn 15,3 nghìn tỷ đồng đầu tư vào các KCN, giải quyết việc làm cho hơn 100 nghìn công nhân, tạo giá giá trị xuất khẩu hơn 27 tỷ USD.

Đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh

 Mặt bằng tổng thể Dự án Mỏ Bạch Central Hills.

Các dự án FDI đi vào hoạt động giúp Thái Nguyên không chỉ tăng trưởng về xuất khẩu, tạo công ăn việc làm thu nhập cao cho nhiều lao động, mà còn tạo hiệu ứng, lan tỏa tới các nhà đầu tư khác tìm đến Thái Nguyên như một địa chỉ đầu tư tin cậy. Cụ thể, nhiều nhà đầu tư có năng lực về tài chính trong nước tích cực nghiên cứu đầu tư vào tỉnh, như: Công ty cổ phần (CP) Tập đoàn T&T, Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, tập đoàn TMS, Phúc Lộc, Xuân Trường… So với năm 2005 – 2006, khu đô thị mới tại Thái Nguyên chỉ là 2 con số thì nay đã vượt lên 3 con số với rất nhiều dự án "khủng".

Chia sẻ về về vấn đề thu hút đầu tư và ưu thế của Thái Nguyên, ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc cho biết: “Chúng tôi rất yên tâm khi lựa chọn Thái Nguyên làm “điểm đến” đầu tư. Bởi bên cạnh những chính sách ưu đãi, linh hoạt, cầu thị của lãnh đạo địa phương dành cho nhà đầu tư thì Thái Nguyên có rất nhiều tiềm năng sẵn có: điều kiện tự nhiên, giao thông thuận lợi, là trung tâm của khu vực Đông Bắc, cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng Đồng bằng Bắc bộ cùng nhiều tiềm năng về khí hậu, khoáng sản, du lịch, giáo dục.... Thái Nguyên có đầy đủ yếu tố "thiên thời, địa lợi,nhân hòa" để trở thành một trong những vùng kinh tế phát triển.”

Được biết, hiện nay các dự án của Thiên Lộc ở Thái Nguyên đang được hoàn thành từng giai đoạn theo đúng kế hoạch tiến độ của các dự án: Sông Công 1, Sông Công 2, Sông Công 3, Mỏ Bạch 1, Mỏ Bạch 2...

Về xu hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tỉnh sẽ tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thân thiện, thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn; tạo động lực, sự đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư trên địa bàn, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã thành lập Tổ tiếp nhận thông tin hỗ trợ nhà đầu tư về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kịp thời tham mưu giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư, bảo đảm các dự án được triển khai theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các dự án đang triển khai theo kế hoạch, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền cấp huyện làm việc trực tiếp với nhà đầu tư để thống nhất những nội dung liên quan về trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai.

Tin, ảnh: Hồng Nhung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực