Những điểm sáng trong bức tranh thị trường bất động sản nửa đầu 2019
Thị trường bất động sản có nhiều điểm sáng (Ảnh: HNV)
Về cơ bản, thị trường bất động sản đang có những điểm sáng tích cực bên cạnh khó khăn nhất định. Thứ nhất, bất động sản du lịch tăng trưởng đều. Thứ hai, bất động sản công nghiệp cũng có nhiều dấu hiệu tích cực. Thêm nữa, 6 tháng đầu năm 2019, đầu tư FDI tăng 67%, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, quán triệt phương châm hành động của Chính phủ, kỷ cương liêm chính sáng tạo, bứt phá, ngay từ đầu năm 2019, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo mạnh mẽ các hành động của ngành với các giải pháp cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo Thứ trưởng, để hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh của thị trường, cần tập trung đẩy mạnh hoạt động của các hiệp hội, hội nghề nghiệp liên quan tới bất động sản, xây dựng phản biện chính sách, đánh giá chính sách để chính sách đi vào thực tế, hoàn thiện chính sách đồng thời phối hợp địa phương để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, giai đoạn vừa qua, thị trường bất động sản tương đối ổn định, lành mạnh hơn so với thời kỳ trước năm 2010, do các nhà quản lý và chủ đầu tư đã có những bài học nhất định. Cần công bằng nhìn nhận, nếu đặt trong tổng thể nền kinh tế, thị trường bất động sản giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển nhiều ngành, nghề khác.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng cũng như tác động căng thẳng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Kết quả, doanh thu, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết giảm. Bên cạnh đó, việc siết tín dụng vào bất động sản đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định...
Cũng theo ông Nam, cùng với việc trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đồng thời cũng là quốc gia có sự gia tăng nhu cầu về nhà ở tại các khu đô thị hàng đầu trong khu vực. Cơ cấu dân số Việt Nam là nguồn cầu chính và bền vững của thị trường nhà ở do xuất phát từ nhu cầu mua để ở thực. Như vậy, dự báo nguy cơ tiếp tục thiếu hàng thời điểm cuối năm 2019 và trong trung hạn (2020 – 2022).
Hơn nữa, điểm sáng thị trường trong trung và dài hạn là phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp đón làn sóng đầu tư mới. Hiện tại, phân khúc này có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế, nhất là trong bối cảnh các bộ ngành và địa phương đang tích cực thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, lượng khách du lịch đang tăng trưởng tốt.
Dự kiến triển vọng thị trường bất động sản trong nước về trung và dài hạn
Dự báo triển vọng thị trường trung và dài hạn tốt (Ảnh: HNV)
Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.
Về cơ bản, từ nay đến cuối 2019, thị trường bất động sản trong nước về trung và dài hạn sẽ rất tốt, tốc độ đô thị hoá còn độ mở rất lớn. Theo tính toán, trung bình mỗi năm có 1 triệu người chuyển từ khu vực nông thôn sang các khu đô thị. Tâm lý người dân thích dành dụm mua nhà. Điều quan trọng là cung ứng được cho cầu này một cách có chất lượng. Và do đó, các doanh nghiệp cần làm ăn chân chính hơn, chuyên nghiệp hơn, nghiêm túc chấp hành pháp luật.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay, liên quan đến chính sách, pháp luật, hiện các bộ, ngành đang tiến hành sửa đổi, nhưng để sửa luật không đơn giản, cơ quan quản lý Nhà nước hiện đang tiếp tục rà soát để hoàn thiện thể chế. Cụ thể, về Luật Đất đai, Quốc hội yêu cầu sửa đổi và trong tháng 5/2020 sẽ trình sửa Luật Đất đai. Luật Đất đai là luật gốc, hiện nay trong các luật thì Luật Đất đai phân định rõ nhất vị trí vai trò của nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế trong quá trình sửa đổi sẽ tiếp thu những nghiên cứu, đề xuất thêm về Luật Đất đai. Quyền của tổ chức cá nhân nước ngoài sẽ có điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trong nước.
Trong khi đó, về Luật Xây dựng, trong tháng 7 đã trình Chính phủ lấy ý kiến, và vào kỳ họp tháng 10 Quốc hội sẽ cho ý kiến, tháng 5/2020 biểu quyết. Hiện nay, có các thủ tục dự án chuẩn bị đầu tư liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Xây dựng... các địa phương áp dụng pháp luật chưa thống nhất, còn chồng chéo. Chính phủ và Bộ Xây dựng sẽ rà soát lại.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho biết, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động và nhận diện được những dấu hiệu và diễn biến của kinh tế toàn cầu và có định hướng kinh doanh phù hợp. Theo ông Nghĩa, thị trường bất động sản giai đoạn 2018 - 2019 bắt đầu cân bằng. Sau 2019, cầu sẽ tăng hơn cung. Sau giai đoạn này, cần hết sức cảnh giác trước tình trạng bong bóng bất động sản, “giá lên bao nhiêu cũng không bán”, “giá lên cao không bán dù có cung”...Trong các phân khúc, đất nền dễ gây ra tình trạng này nhất. Do đó, cần có những khảo sát, phân tích kỹ càng và có kiến nghị phù hợp để điều chỉnh.
“Chúng ta cần cảnh giác trước một số khuynh hướng thị trường tài chính toàn cầu mong manh. Phần lớn là vốn vay ngân hàng, thủ tục làm chậm nên rất dễ “bày cỗ” cho doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp cần thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư, kiến nghị những vướng mắc và đề nghị Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam” – TS Nghĩa nói./.