Tiền Giang chuyển cơ cấu cây trồng theo hướng chung sống với lũ

Thứ hai, 23/10/2017 16:41
Trong các năm qua, để chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng chung sống với lũ, tỉnh đã qui hoạch khu vực diện tích nằm trong hai ô bao trên chuyển đổi từ trồng lúa sang lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản hướng đến xuất khẩu.
Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn

Theo ông Trần Minh Hữu, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông Cai Lậy – Cái Bè (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang), đơn vị phối hợp với các ngành và địa phương trên địa bàn, quản lý, tổ chức vận hành hợp lý hệ thống cống đập ngăn lũ và triều cường hai ô bao Đông và Tây sông Ba Rày, bảo vệ trên 9.600 ha vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản; trong đó, chủ yếu là cây sầu riêng.

Để đạt mục tiêu, ổn định cuộc sống và sản xuất cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh đã xây dựng trên 74.000 m đê bao khép kín kết hợp thi công 71 cống đập lớn nhỏ để kiểm soát lũ, triều cường, chủ động tiêu úng, chống hạn cho vùng chuyên canh.

Trong mùa lũ 2017, để các công trình trên phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất, Xí nghiệp Thủy nông Cai Lậy – Cái Bè được giao trách nhiệm quản lý, vận hành, đảm bảo hiệu quả phòng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất.

Theo ông Trần Minh Hữu, Xí nghiệp kết hợp chặt chẽ với các địa phương hưởng lợi triển khai tốt lịch vận hành hệ thống cống đập trong hai ô bao Đông – Tây Ba Rài. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, kiểm soát tình hình nguồn nước, chất lượng nước trong nội đồng nhất là thời điểm mưa to kéo dài hoặc khô hạn, đảm bảo không để xảy ra tình trạng ngập úng hoặc hạn hán cục bộ ảnh hưởng đến sản xuất.

Mặt khác, theo dõi, cập nhật diễn biến mực nước lũ và triều cường trong toàn vùng dự án nhằm khuyến cáo nhân dân những biện pháp đối phó phù hợp, không để thiên tai xảy ra gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hộ đê, kịp thời phát hiện những hư hỏng, tổ chức duy tu, sửa chữa kịp thời đảm bảo hiệu quả ngăn lũ và triều cường cũng như an toàn trong quá trình vận hành hệ thống.

Theo kế hoạch, đối với ô bao Tây Ba Rài, từ tháng 10 trở đi toàn bộ các cống vận hành đóng ngăn lũ và triều cường, trừ các đập thép Cái Lá, Giồng Tre (Hiệp Đức), Thầy Thanh vận hành xả lũ 1 chiều. Đến tháng 2/2018, các cống đập trong hệ thống vận hành theo chế độ tự do, khi mùa lũ và triều cường trên hệ thống sông Tiền đã chấm dứt hoàn toàn.

Đối với ô bao Đông Ba Rày cũng có chế độ vận hành tương tự. Trong quá trình vận hành, đặc biệt khi mưa to trên diện rộng thì xí nghiệp sẽ khẩn trương điều chỉnh kế hoạch vận hành một cách hợp lý, phù hợp tình hình sản xuất nhất là tiêu úng khẩn cấp để bảo vệ cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết, địa phương đánh giá cao vai trò của hai ô bao đối với sản xuất và đời sống. Nhờ có hai ô bao, nông dân địa phương đã chuyển đổi gần 8.500 ha đất trồng lúa bấp bênh sang lập vườn trồng chuyên canh sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, khi Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm mùa mưa lũ thì trong nội đồng hai ô bao Đông – Tây Ba Rày nông dân đang thu hoạch vụ sầu riêng nghịch vụ trúng mùa, trúng giá. Bình quân mỗi ha đạt năng suất 20 tấn quả, với giá bán 80.000 đồng/kg, nông dân thu 1,6 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 1 tỷ đồng. Do vậy, việc vận hành đảm bảo hiệu quả ngăn lũ và triều cường của hai ô bao Đông – Tây Ba Rày đã thực sự giúp nông dân an tâm phát triển sản xuất làm giàu./.

Minh Trí/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực