Triển khai hiệu quả hệ thống quan sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh

Thứ hai, 28/05/2018 21:48

(ĐCSVN) - Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, qua thời gian triển khai hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh – Movimar đã cho những kết quả tích cực trong hỗ trợ ngư dân bám biển cũng như tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về tàu cá. Dù vậy, trên thực tế, vẫn còn một số tồn tại cần triển khai tháo gỡ.


Ngư dân sử dụng thiết bị Movimar lắp đặt trên tàu đánh cá (Ảnh: TTXVN)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1820/TTg-KTN ngày 29/9/2009 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 và Nghị định thư tài chính giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp ký ngày 12/11/2009 dành cho dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh – Movimar”, ngày 3/2/2010, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 302/QĐ-BNN-HTQT phê duyệt dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh – Movimar”. Hệ thống bao gồm xây dựng Trung tâm điều khiển tích hợp thông tin tàu cá và 2 trạm khu vực tại Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu, lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho 3.000 tàu cá khai thác hải sản xa bờ của 28 tỉnh ven biển, làm các nghề câu mực, cá ngừ đại dương và một số loại nghề khai thác hải sản quan trọng khác.

Qua thời gian triển khai Dự án (từ 2012-2015) và sau đó được Chính phủ cho phép duy trì hoạt động bằng ngân sách Nhà nước trong hai năm 2016-2017, hệ thống đã giúp cơ quan quản lý (Bộ NN&PTNT) giám sát từ xa hành trình đối với 3.000 tàu cá lắp đặt thiết bị Movimar, phát hiện các tàu cá vi phạm vùng đánh bắt, hỗ trợ ngư dân trong trường hợp tai nạn hay cấp cứu khẩn cấp.

Trong đó, hệ thống giúp trực tiếp kết nối và chia sẻ thông tin, vị trí, tốc độ, hướng di chuyển của tàu cá cho Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Hải quân để hỗ trợ các đơn vị này trong công tác tìm kiếm cứu nạn, xử lý kịp thời các tai nạn, sự cố tàu cá trên biển, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Đặc biệt, ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu chính thức cảnh báo thẻ vàng với ngành khai thác thủy sản Việt Nam. Bên cạnh những kết quả ghi nhận từ các hành động quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan liên quan thì hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh đã góp phần hỗ trợ để đáp ứng các khuyến nghị của Liên minh Châu Âu về chống lại hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không tuân theo quy định (khai thác IUU).

Với các tính năng hiện đại, hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh hiện là hệ thống duy nhất của ngành thủy sản đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về hệ thống giám sát hành trình tàu cá của Liên minh Châu Âu trong việc chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không tuân theo quy định. Cho phép truy xuất rõ ràng nguồn gốc của các loài thủy sản được đánh bắt nhờ vào báo cáo đánh bắt được tích hợp trên thiết bị VMS (thiết bị kết nối định vị vệ tinh). Ngư dân có thể chủ động điền các thông tin trên báo cáo đánh bắt để sau đó nguồn gốc của các loài đánh bắt trên chuyến đi đó được truy xuất dễ dàng và nhanh chóng.

Cùng với đó, ngư dân nhận được sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan chức năng trong các trường hợp khẩn cấp (tàu bị nạn, bị tấn công) nhờ vào ấn nút bấm hỗ trợ khẩn cấp trên thiết bị Movimar.

Đáng chú ý, hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh góp phần đảm bảo an toàn cho ngư dân trên biển. Trong mùa mưa bão, với điều kiện trên biển, thiết bị VMS giúp ngư dân có thể quan sát một cách trực quan đường đi, hướng đi và cấp độ gió trong cơn bão để có thể lựa chọn hướng di chuyển tối ưu, tránh tâm bão cũng như chọn được khu vực trú bão an toàn nhất.

Bên cạnh những điểm tích cực mang lại, trên thực tế, hệ thống Movimar vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế nhất định. Trong đó, dự án Movimar sử dụng công nghệ vệ tinh hiện đại, cho phép kiểm soát ví trí tàu cá trên mọi vùng biển, thích hợp cho các tàu lớn, khai thác xa bờ, dài ngày, vì vậy, chi phí đầu tư, bảo trì, bảo dưỡng, cước phí dịch vụ vệ tinh tương đối cao.

Thông tin dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn được lấy từ nguồn nước ngoài, nên chưa đảm bảo tính chính xác theo khu vực cụ thể, đồng thời chưa triển khai được dịch vụ liên lạc thoại giữa tàu – bờ và tàu – tàu.

Do chưa có các quy định cụ thể về việc quản lý và sử dụng, nên một số cơ quan quản lý và chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa tìm hiểu rõ về thiết bị Movimar dẫn đến công tác tuyên truyền cho chủ tàu, thuyền trưởng về tính năng tác dụng của thiết bị Movimar còn hạn chế.

Trong thời gian tới, trước tình hình thời tiết trên biển ngày càng diễn biến phức tạp, nhằm hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, đảm bảo an toàn về người và tài, theo Tổng cục Thủy sản, việc duy trì hoạt động hiệu quả hệ thống Movimar là hết sức cần thiết, đặc biệt để đáp ứng khuyến nghị của Liên minh Châu Âu trong quản lý đội tàu khai thác của Việt Nam, đảm bảo xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường này.

Đồng thời, để duy trì bền vững hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh, thực hiện đồng bộ nội dung của Luật Thủy sản sửa đổi và các khuyến nghị của Liên minh Châu Âu, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành các quy định pháp lý, chính sách trong quản lý tàu cá. Trong đó, tham mưu đề xuất sửa đổi, ban hành các Thông tư, Nghị định về quy chế thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển. Xây dựng đầy đủ các quy định sử dụng thiết bị VMS là công cụ quản lý khai thác hải sản chống IUU, trong đó yêu cầu từ 1-2 giờ phải tự động báo cáo vị trí về Trung tâm tại Hà Nội và 28 Chi cục có quản lý tàu cá.

Khẩn trương triển khai Dự án thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn II theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 283/TB-VPCP ngày 28/6/2017 của Văn phòng Chính phủ: “Tập trung triển khai dự án thông tin quản lý nghề cá giai đoạn II để hoàn thiện hệ thống thông tin giám sát nghề cá từ năm 2016 đến năm 2020 với 100% tàu cá hoạt động ở vùng biển khơi được theo dõi, giám sát; tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, trong đó, quy định bắt buộc 100% tàu cá hoạt động xa bờ phải lắp thiết bị giám sát hành trình để kiểm soát, đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển, không vi phạm vùng biển các nước.

Hiện hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh mới chỉ có Trung tâm tích hợp dữ liệu tại Hà Nội, 2 trạm tại Hải Phòng và Vũng Tàu. Để phát huy hiệu quả hệ thống, đặc biệt trong chỉ đạo điều hành quản lý tàu cá từ Trung ương đến địa phương, số lượng trung tâm quản lý tàu cá cần được xây dựng thêm ở các địa phương chủ đạo.

Cùng với đó, thiết bị kết nối vệ tinh Movimar đã được đưa vào sử dụng từ năm 2012, đến nay, sau 6 năm hoạt động các thiết bị này cần được tiến hành bảo dưỡng, đảm bảo hoạt động thông suốt, đáp ứng nhu cầu của ngư dân cũng như công tác quản lý tàu cá của cơ quan Nhà nước./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực