Vay hiệu quả và trả nợ an toàn

Thứ năm, 17/06/2010 09:49

Việt Nam có thể làm tốt hơn thế. Đó là khẳng định của các nhà tài trợ khi bàn về việc sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Trong khi đó, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề nợ công của nước ta. Tuy ODA chỉ là một phần của nợ công, song khi một giai đoạn phát triển mới của đất nước đang bắt đầu, đòi hỏi phải huy động vốn nhiều hơn cho đầu tư, thì chuyện vay hiệu quả và trả nợ an toàn càng được đặt lên hàng đầu.

Thực tế cho thấy, việc làm sao sử dụng hiệu quả vốn ODA luôn là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam. Tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa đã khẳng định cam kết sử dụng hiệu quả đồng vốn ODA.

Tuy vậy, nhìn lại tình hình thực hiện Đề án Định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA thời kỳ 2006 - 2010, có thể thấy, vẫn còn những bất cập, yếu kém mà Việt Nam phải vượt qua, như năng lực hấp thụ vốn còn thấp, hài hòa hóa thủ tục vẫn còn vướng mắc, năng lực quản lý dự án ODA còn hạn chế... Chính những điểm yếu này đã khiến việc giải ngân vốn ODA trong thời gian qua chưa được như kỳ vọng.

Năm 2009 có thể coi là năm Việt Nam đạt mức giải ngân vốn ODA cao kỷ lục, lên tới 4,1 tỷ USD. Nhưng trong số này, có tới 1,84 tỷ USD được cung cấp dưới hình thức hỗ trợ ngân sách để thực hiện cải cách chính sách và hỗ trợ khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế. Nếu không tính khoản hỗ trợ đó, thì giải ngân ODA năm 2009 chỉ tăng 19% so với kế hoạch năm và tăng khoảng 13% so với thực hiện năm 2008.

Trong khi đó, nếu nhìn cả quá trình, dù hàng năm, giải ngân ODA đều có xu hướng tăng, song nếu nhìn vào tỷ lệ giữa vốn ODA cam kết, ký kết và vốn giải ngân, thì dường như, khoảng cách đang "doãng" dần ra. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, giai đoạn 1996 - 2000, vốn cam kết là 11,54 tỷ USD, vốn ký kết là 9 tỷ USD, vốn giải ngân là 6,14 tỷ USD; trong khi các con số tương ứng trong giai đoạn 2001 - 2005 là 14,889 tỷ USD, 11,237 tỷ USD và 7,88 tỷ USD; còn trong giai đoạn 2006 - 2009 là 23,849 tỷ USD, 17,282 tỷ USD và 10,3 tỷ USD.

Một điều luôn được khẳng định là, nguồn vốn ODA đã đóng góp một phần quan trọng trong tổng đầu tư toàn xã hội, chiếm 12 - 13% tổng vốn đầu tư từ ngân sách trong 5 năm qua. Quan trọng hơn, vốn ODA đã được tập trung cao để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, góp phần tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn của khu vực tư nhân, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân...

Song, đúng như ý kiến từ các nhà tài trợ, Việt Nam lẽ ra có thể làm tốt hơn, sử dụng hiệu quả hơn vốn ODA. Đây rõ ràng là điều cần tính toán cẩn trọng. Bởi lẽ, ODA, vốn vay cũng như vốn viện trợ, không phải là "thứ cho không". 80% vốn ODA của Việt Nam là vốn vay các nước và các định chế tài chính quốc tế. Ngay cả để tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại, thì Chính phủ Việt Nam cũng phải đóng góp vốn đối ứng bằng hiện vật hoặc giá trị.

Điều đó có nghĩa rằng, dù nợ công của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát như khẳng định của Chính phủ, hay chuyện trả nợ của Việt Nam "chưa có vấn đề gì" như khẳng định của các nhà tài trợ, thì chuyện vay và trả nợ vẫn luôn là điều cần được cân nhắc thận trọng.

Trong bối cảnh Việt Nam cần tập trung đầu tư cho phát triển như hiện nay, việc tận dụng từng đồng vốn ODA mà các nhà tài trợ cam kết cho vay là hết sức cần thiết và không nên bỏ lỡ cơ hội đó. Nhưng kèm theo cơ hội vay phải là một kế hoạch giải ngân nhanh và hiệu quả, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, điều luôn cần phải khẳng định là vay hiệu quả và trả nợ an toàn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực