|
Quang cảnh buổi làm việc. |
Chiều 13/8, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội chủ trì buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội; các cơ chế chính sách và vấn đề lớn trong lĩnh vực công thương của TP Hà Nội; các vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất các nội dung cần phối hợp thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Tuấn Anh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội.
Phối hợp xây dựng và tổ chức triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển công nghiệp Thủ đô
Báo cáo về kết quả phối hợp giữa Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản thông tin, trong thời gian qua, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, dề án phát triển công nghiệp trên địa bàn TP. Qua đó, UBND TP đã ban hành Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 14/3/2017 phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 là 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.204,3ha.
Đối với công tác quản lý, phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại, đến nay 27/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã được phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ giai đoạn 2017-2020. TP cũng đã xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho 20.267/21.416 người kinh doanh trong chợ (đạt 94,6%)…
Công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ được đẩy mạnh, thu được kết quả khả quan như: 4 trung tâm thương mại do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư tại các huyện (Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì) với tổng diện tích 30,2ha và có tổng vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng; ban hành quyết định kêu gọi đầu tư 25 chợ trên địa bàn; đã thu hút đầu tư được 52 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 22.000 tỷ đồng gồm: 18 dự án thương mại dịch vụ; 3 dự án Logistics; 7 dự án chợ dân sinh; 24 dự án cửa hàng xăng dầu. Hiện, đang tiếp tục kêu gọi đầu tư 58 dự án chợ dân sinh, chợ đầu mối…
Đến hết năm 2019, TP đã lựa chọn, công nhận được 91 sản phẩm của 58 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề và các cơ sở công nghiệp nông thôn. Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, làng có nghề và 305 làng nghề được công nhận.
Trong thời gian tới, Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương phối hợp rà soát, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Phối hợp hỗ trợ trong việc giới thiệu các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và đầu tư nước ngoài có sản xuất các sản phẩm có uy tín, thương hiệu, có tính dẫn dắt nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chủ lực; phối hợp hỗ trợ Hà Nội trong công tác thẩm định, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số công trình 110kV, 220kV vào Quy hoạch phát triển điện lực Hà Nội giai đoạn 2016 – 2025….
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, định hướng phát triển kinh tế của Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác cơ hội, dư địa về phát triển thương mại nội địa, xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ cụ thể hóa hoạt động phối hợp với Hà Nội thông qua việc đề nghị TP xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cải cách hành chính, xây dựng hệ thống Logistics, hạ tầng năng lượng, giao thông... Riêng về lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số mặc dù còn tồn tại, bất cập về thể chế, chính sách nhưng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, gắn với hạ tầng thương mại truyền thống, vì vậy Bộ Công Thương đề nghị Hà Nội tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cho loại hình thương mại này…
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. |
Tăng cường phối hợp thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại Thủ đô
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp và thương mại của Thủ đô đã đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội cũng như cả nước. Kết quả này đã góp phần quan trọng đưa tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm của Hà Nội tăng 3,39%, mức khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh.
Tuy nhiên, Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học của cả nước, là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nên đòi hỏi phải có những bước phát triển nhanh và bền vững. Đây là cuộc làm việc thứ 6 (đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông) trong kế hoạch làm việc với các bộ, ngành Trung ương nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của TP trong giai đoạn tới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đồng tình và thống nhất với những nội dung hai bên sẽ đẩy mạnh, tiếp tục phối hợp trong thời gian tới. Trong đó, về lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp với Hà Nội xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp của Hà Nội theo hướng hiện đại, phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá. Nhất là những ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, hàm lượng chất xám cao. Phấn đấu trong nhiệm kỳ tới tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, xây dựng chiếm khoảng 23% trong tổng GRDP của TP.
Bí thư Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện hỗ trợ Hà Nội đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Hai bên phối hợp hỗ trợ nhau trong xúc tiến đầu tư FDI và các cụm tiểu thủ công nghiệp, khu công nghệ cao Hoà Lạc. Thông qua tham tán thương mại giúp Hà Nội tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng đầu tư, kinh doanh… ; rà soát điều chỉnh cập nhật bổ sung quy hoạch về phát triển cụm công nghiệp TP đến 2020, có xét đến 2030; phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình, đề án về khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chủ lực…
Về lĩnh vực năng lượng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quan tâm chỉ đạo, sắp xếp đủ vốn và các nguồn lực khác cho Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội sớm thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư các dự án năng lượng và hạ tầng đáp ứng mục tiêu cấp điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hướng dẫn và phối hợp trong thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh bổ sung một số các công trình 120KV, 220KV và quy hoạch phát triển điện lực….
|
Đại diện lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ Công Thương ký kết Quy chế phối hợp trong giai đoạn tiếp theo. |
Trong lĩnh vực thương mại, Bí thư Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ Hà Nội xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phục vụ các sự kiện lớn của Thủ đô. Hỗ trợ trong triển khai có hiệu quả đề án quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn đến năm 2025. Tiếp tục hỗ trợ TP trong triển khai đề án phát triển trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, chợ đầu mối tại Yên Thường (Gia Lâm) và các chợ đầu mối khác trên địa bàn. Đặc biệt, hỗ trợ Hà Nội trong triển khai thương mại điện tử để Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu trong cả nước về lĩnh vực này…/.