Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh

Thứ ba, 09/06/2020 10:25
(ĐCSVN) - Thương mại điện tử (TMĐT) vừa là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số ở Việt Nam, đồng thời là 1/10 ngành và công nghệ ưu tiên trong Chính sách phát triển được nêu trong Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Từ chính sách ưu tiên…

 TMĐT mang lại nhiều lợi ích, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thanh toán nhanh, chính xác và chi phí thấp, nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. TMĐT giúp người tiêu dùng mua sắm mọi nơi, mọi lúc, có điều kiện lựa chọn hàng hóa và nhà cung cấp, giá thành hạ, giao dịch thuận tiện, chia sẻ thông tin nhanh chóng và dễ dàng... TMĐT là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế số và góp phần ổn định xã hội.

 Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 27/9/2019, xác định TMĐT là 1/10 ngành có mức độ sẵn sàng cao cần ưu tiên phát triển, cùng với công nghệ thông tin (CNTT), điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; chế tạo thông minh; tài chính - ngân hàng; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hoá số; y tế; giáo dục và đào tạo.

Mua sắm trực tuyến đang phổ biến ở khắp Việt Nam.

(Ảnh: Getty Images).

Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 xác định TMĐT là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số và đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường TMĐT phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

 Nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường cho TMĐT phát triển, hỗ trợ các ngành và công nghệ ưu tiên chủ yếu; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; đặt hàng mua sắm công. Lựa chọn và hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm một số lĩnh vực/địa phương phát triển TMĐT để đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tạo sự lan tỏa trong xã hội. Doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt triển khai ứng dụng TMĐT.

 Đến tiềm năng và thách thức…

 Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển TMĐT, cả về kiến tạo thể chế, hạ tầng CNTT, logistic, nhân lực và các hạ tầng nền tảng khác. Trong ASEAN, Việt Nam được đánh giá có môi trường pháp lý tương đối thuận lợi cho phát triển TMĐT. Các luật liên quan đến TMĐT đã được ban hành (Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật CNTT, Luật An ninh mạng…); Nghị định về bảo mật dữ liệu cá nhân cũng đang được xây dựng.

 Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang, dịch vụ mạng di động 4G rộng khắp, dịch vụ 5G đang được triển khai. Số người dùng Internet tới 68 triệu/97,4 triệu dân; hơn 130 triệu thuê bao di động. Có 44% doanh nghiệp xây dựng website riêng, 12% tham gia sàn giao dịch TMĐT, 36% bán hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, 43% doanh nghiệp cho phép người dùng mua sắm và thanh toán trực tuyến trên di động.

 Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, Việt nam có 39,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng 11,8% so với năm 2018; quy mô thị trường bán lẻ ước đạt 10 tỷ USD, giá trị mua sắm trực tuyến bình quân đầu người đạt 202 USD, tăng 8,6%. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, doanh thu từ mua sắm online qua các sàn TMĐT của một số doanh nghiệp tăng từ 20%-30%; 5/10 nền tảng TMĐT thành công nhất đang hoạt động tại Việt Nam, đó là Lazada, Shopee, Tiki, Thegioididong và Sendo.

 Dự kiến doanh thu TMĐT của Việt Nam năm 2020 sẽ đạt tới 13 tỷ USD. Nếu duy trì được tỷ lệ tăng trưởng 30% như hiện nay thì quy mô thị trường của ngành này có thể đạt 35 tỷ USD vào năm 2025, xếp thứ 3 ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).

 Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về CNTT; thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

 Mặc dù tiềm năng lớn, nhưng thị trường TMĐT Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Hạ tầng dịch vụ hỗ trợ như hóa đơn và chứng từ điện tử, thanh toán, logistics còn thiếu sự đồng bộ và tính kết nối. Thanh toán bằng ví điện tử thấp, chỉ chiếm 17%, trong khi đó, thanh toán bằng tiền mặt khi mua sắm trực tuyến chiếm tới 88%.

 Các giao dịch trực tuyến chưa đem lại niềm tin với người dùng bởi sản phẩm chất lượng kém, quảng cáo bị sai lệch, tình trạng giả mạo sản phẩm; quy trình mua hàng trực tuyến tương đối phức tạp, chi phí vận chuyển cao. Người tiêu dùng lo sợ bị đánh cắp thông tin, dữ liệu và tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản, thông tin bị rò rỉ hoặc bị mua bán.

 Và giải pháp cần được chú trọng

 Về chính sách, nghiên cứu xây dựng Nghị định mới, sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025. Rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số.

 Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ công; thực hiện cải cách hành chính, minh bạch hóa, nâng cao hiệu lực nền hành chính quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác quốc tế, thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới và thương mại phi giấy tờ.

 Về dịch vụ và hạ tầng hỗ trợ, đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng băng rộng; phổ cập điện thoại thông minh; nâng cấp mạng 4G và triển khai mạng 5G; phát triển hạ tầng kết nối Internet vạn vật (IoT). Hoàn thiện hệ thống định danh và xác thực điện tử, hệ thống thanh toán điện tử quốc gia, chứng từ điện tử; cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử không qua tài khoản ngân hàng (Mobile Money). Chú trọng giải quyết yếu tố thời gian, quy trình đóng gói, đảm bảo mẫu mã và chất lượng sản phẩm trong chuyển phát.

 Về an toàn, an ninh mạng, thiết lập các hệ thống quản lý, giám sát giao dịch điện tử; hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn, an ninh mạng. Đánh giá tín nhiệm số đối với hệ thống thông tin của doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tuyến. Tăng cường quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, ngăn chặn, xử phạt với các doanh nghiệp bán hàng giả, hàng nhái, nâng cao lòng tin đối với người tiêu dùng.

 Về thị trường và nhân lực, xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh cao; hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả. Phát triển các công nghệ mới trong TMĐT, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia về TMĐT, đồng thời, phổ cập kiến thức TMĐT, từng bước thay đổi tập quán, tâm lý của người tiêu dùng, chuyển sang mua sắm qua Internet và các phương tiện điện tử khác.

 Như vậy, TMĐT là một trong các lĩnh vực tiên phong, được ưu tiên của nền kinh tế số ở Việt Nam. Vì vậy, việc thúc đẩy TMĐT phát triển vừa góp phần đưa Nghị quyết của Đảng sớm đi vào thực tiễn, vừa thiết thực thúc đẩy nền kinh tế số ở nước ta trong giai đoạn hiện nay./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực