Xử lý nợ xấu – những nút thắt cần tháo gỡ

Thứ tư, 26/10/2016 20:36
(ĐCSVN) - Chiều 26/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Xử lý nợ xấu – những nút thắt cần tháo gỡ”.


Hình ảnh tại hội thảo. (Ảnh:M.P)

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ cuối năm 2012 đến thời điểm ngày 31/8/2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 42,8%.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VAMC cho biết: Từ năm 2013 đến nay, VAMC đã mua được 25.062 khoản nợ tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng. Hầu hết các khoản nợ đã mua đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp…Trong đó, bất động sản với giá trị tài sản bảo đảm là 256 nghìn tỷ, chiếm tỷ lệ cao nhất 63,5%.

Tuy đạt được kết quả khả quan, nhưng nhìn chung, việc xử lý nợ xấu của các TCTD và VAMC vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khối lượng nợ xấu còn tồn tại trên thị trường vẫn còn nhiều, khiến các chuyên gia lo ngại đến một lúc nào đó, khối lượng này sẽ “bục” ra, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính.

Tại hội thảo, các các chuyên gia cho rằng, một trong những lý do khiến các ngân hàng, các công ty xử lý nợ xấu khó xử lý nợ xấu là do các quy định pháp luật còn thiếu, nhất là quy định liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm.

Bên cạnh đó, VAMC thiếu những quy định đặc thù để có thể xử lý nhanh nợ xấu. Các quy định pháp luật hiện tại chưa tạo sự thông thoáng cho hoạt động của VAMC, thậm chí còn hạn chế quyền của VAMC khi thực hiện xử lý nợ thông qua các biện pháp như bán nợ, bán tài sản bảo đảm. VAMC không thực hiện được quyền chủ nợ đối với nợ xấu mua bằng tài sản  bảo đảm.

Cùng với đó, thị trường thiếu những cơ chế điều tiết linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu, dẫn đến hệ quả không thu hút được các tổ chức, nhà đầu tư có tiềm lực tham gia vào hoạt động xử lý nợ tại Việt Nam. Đồng thời, việc bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài gặp một số vướng mắc vì theo quy định pháp luật hiện hành, việc nhận thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất... đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế.

Ngoài ra, việc xử lý nợ chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ, bảo đảm tính công khai minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện công việc. Hệ lụy dẫn đến những hạn chế không khuyến khích TCTD, VAMC tích cực triển khai công tác xử lý nợ.

Chia sẻ tại hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng sai lầm chính là đổ nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.  Việc gần như phó thác cho ngân hàng xử lý nợ xấu, không sửa luật để xử lý nợ xấu, không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, khiến việc xử lý nợ xấu trở nên chậm chạp.

Nhiều đại biểu cho rằng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý điều tiết toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu, tạo lập một môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng, thông suốt; đặc biệt chú ý đến việc hoàn tất thủ tục pháp lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, thu giữ tài sản, phát mại tài sản, định giá tài sản; phát triển khung pháp lý cho thị trường mua - bán và xử lý tài sản xấu.

Cùng với đó, cần nâng cao năng lực xử lý nợ xấu của VAMC với những cơ chế đặc thù để VAMC có thể hoạt động hiệu quả trên nguyên tắc xử lý nợ xấu phải được thực hiện nhanh, giảm thiểu những thiệt hại phát sinh do sự chậm trễ trong xử lý nợ xấu.

Đặc biệt, việc xử lý nợ xấu cần được thực hiện bằng nguồn tiền thực để bảo đảm hiệu quả và nhanh chóng. Các hình thức xử lý nợ xấu phải được đa dạng hóa trên cơ sở bảo đảm tính công khai, minh bạch. Hệ thống thông tin nợ xấu được tổ chức để dễ dàng giới thiệu các khoản nợ xấu/tài sản bảo đảm tới các nhà đầu tư có quan tâm, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu và tạo tiền đề để xây dựng một thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.

Đúng là ngành ngân hàng phải chịu trách nhiệm về nợ xấu, tuy nhiên, nguồn gốc của nợ xấu là do các doanh nghiệp, hộ gia đình vay vốn nhưng không trả được nợ vay, vì cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Và nợ xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống các tổ chức tín dụng, mà còn ảnh hưởng rất xấu đến cả nền kinh tế. Nhiều ý kiến tại hội thảo thể hiện mong muốn sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội trong hoạt động xử lý nợ xấu, để định hình những giải pháp quan trọng nhằm xử lý nợ xấu triệt để, tạo đà cho sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực