Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cam sành Hà Giang

Thứ sáu, 03/01/2020 14:58
(ĐCSVN) - Là cây ăn quả đặc sản của Hà Giang, trong những năm qua, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cam sành luôn được tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm nhằm đẩy mạnh việc giới thiệu và tiêu thụ bền vững sản phẩm cam sành tới người tiêu dùng trong cả nước.
leftcenterrightdel
 Một điểm bán cam sành tại chợ trung tâm thị trấn huyện Bắc Quang

Cam sành được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên tỉnh Hà Giang có thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2 dương lịch của năm sau. Trong đó, huyện Bắc Quang có diện tích và sản lượng cam sành lớn nhất tỉnh. Đến thời điểm cuối năm 2019 đã có 75 Tổ sản xuất, HTX sản xuất cam sành được cấp Giấy chứng nhận VietGAP với diện tích trên 2.850 ha. Trong năm 2017, sản phẩm cam sành của Hà Giang đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý.

Trong niên vụ 2019 - 2020, tổng diện tích trồng cam của Hà Giang đạt khoảng 7.250 ha, trong đó có khoảng 6.600 ha cho thu hoạch và sản lượng ước đạt từ 49.000 – 50.000 tấn; trong đó, riêng sản lượng cam sành của huyện Bắc Quang đạt khoảng 36.000 tấn.

Trong những năm qua, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cam sành luôn được tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm. Riêng trong năm 2019, Sở Công thương Hà Giang đã triển khai công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; trong đó, có sản phẩm cam sành vào chuỗi Siêu thị Vimart, Siêu thị BigC, Liên hiệp HTX thương mại SAIGON CO.OP, Công ty cổ phần Mạc Trà… Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại Hà Giang cũng đẩy mạnh xúc tiến công thương triển khai thiết kế, in mẫu bao bì hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các HTX nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm cam sành tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh. UBND tỉnh Hà Giang đã triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các HTX và các hộ sản xuất và kinh doanh cam của 3 huyện trên 1,6 triệu tem nhãn mác…

Trong niên vụ cam 2019 – 2020, huyện Vị Xuyên có diện tích cam sành đạt khoảng 680 ha, trong đó có trên 560 ha cho thu hoạch và sản lượng ước đạt từ 2.700 – 3.000 tấn. Để tiêu thụ sản phẩm cho người dân, từ tháng 10/2019, huyện Vị Xuyên đã xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá sản phẩm cam sành của huyện trong và ngoài tỉnh. Để nâng cao chất lượng của sản phẩm cam sành, từ đầu năm 2019, huyện Vị Xuyên đã tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP và thành lập các HTX trồng cam tạo nên mối liên kết giữa các hộ trồng cam trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Đồng chí Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm cam sành, huyện Vị Xuyên đã triển khai mở rộng diện tích cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP; bên cạnh đó, nhằm xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2019 - 2020, huyện cũng đã triển khai công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng như: Quảng bá sản phẩm cam sành của huyện tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ người dân tại các điểm bán cam dọc Quốc lộ 2, tuyến đường Hà Giang – Hà Nội với khoảng 50 gian hàng…

Tại huyện Bắc Quang, nhằm xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành cho người nông dân, trong năm 2019, huyện Bắc Quang đã tập trung chỉ đạo người dân nâng cao chất lượng và mẫu mã của sản phẩm; thành lập các Tổ hợp tác, các HTX liên kết trong tiêu thụ sản phẩm cam sành. Theo thông báo của UBND huyện Bắc Quang: Vào thời điểm trung tuần tháng 01/2020, khi cam sành bước vào giai đoạn chín rộ, huyện Bắc Quang sẽ phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức Hội thi sản phẩm cam sành nhằm quảng bá và giới thiệu sản phẩm cam sành của huyện tới các doanh nghiệp, các HTX và người tiêu dùng của các tỉnh, thành phố trong nước…

Bên cạnh công tác nâng cao uy tín cũng như tìm kiếm giải pháp tiêu thụ bền vững sản phẩm cam sành, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức các Hội nghị Bàn các giải pháp phát triển và nâng cao uy tín, chất lượng của sản phẩm cam sành Hà Giang. Qua đó hướng tới các giải pháp đổi mới, tạo nên bứt phá trong công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ bền vững sản phẩm cam sành của tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khai thác và phát huy triệt để Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cam sành Hà Giang và nâng cao vai trò của các Tổ hợp tác, Hiệp hội, các HTX trong quá trình sản xuất và tiêu thụ cam sành. UBND tỉnh Hà Giang cũng ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm từ cây cam sành của tỉnh…

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Trong những năm qua, cây cam sành đã nhận được sự quan tâm của người dân và các cấp, các ngành trong tỉnh; nhưng cây cam sành vẫn chưa thực sự phát triển bền vững. Trong niên vụ cam 2019 – 2020, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo 3 huyện trồng cam tập trung tổ chức lại sản xuất cho các hộ trồng cam. Tiếp tục phát triển và mở rộng diện tích cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của sản phẩm, tạo niềm tin và uy tín đối với người tiêu dùng trong cả nước.…/.

Phạm Văn Phú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực