Lào Cai: Phát huy hiệu quả các công trình nước sinh hoạt

Thứ ba, 15/04/2014 14:00

(ĐCSVN) - Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được đầu tư được 812 công trình cấp nước tự chảy tập trung bằng vốn ngân sách Nhà nước và vốn tài trợ của tổ chức quốc tế, phục vụ trực tiếp cho hơn 400.000 người, chiếm 81,8% tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.

Có được kết quả trên, hàng năm các cơ quan chức năng của tỉnh đều có văn bản đôn đốc các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư trên địa bàn; phân công cán bộ mở sổ theo dõi, tổng hợp việc báo cáo đánh giá thực trạng các công trình cấp nước sau đầu tư đưa vào sử dụng. Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường phối hợp với UBND các huyện triển khai công tác tập huấn việc quản lý, vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng; thành lập tổ quản lý, vận hành công trình, hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý vận hành, thu tiền sử dụng nước đối với các công trình cấp nước sau bàn giao đưa vào sử dụng. Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung theo chương trình 134, 135 giai đoạn II đa phần do cấp xã làm chủ đầu tư, sau bàn giao công trình hoàn thành được UBND các xã bàn giao cho thôn bản, nhóm hộ gia đình quản lý để sử dụng. Một số huyện đã chỉ đạo các xã thành lập được Ban quản lý cấp xã, tổ quản lý công trình cấp thôn bản và thu được tiền sử dụng nước đối với một số công trình xây dựng được lắp đặt đồng hồ đo nước đến các hộ gia đình.

 

 Công trình cấp nước sạch của Lào Cai


Tuy nhiên, có một thực tế cần quan tâm là trong 812 công trình nước có 581 công trình đang phát huy hiệu quả, 216 công trình có hiện tượng hư hỏng, hoạt động kém, 15 công trình không hoạt động, đang có các hạng mục hư hỏng, thiếu nguồn nước; riêng 373 công trình được đầu tư trong giai đoạn từ năm 2007 - 2012 có 363 công trình giao cho cộng đồng quản lý, trong đó: 71 công trình được đánh giá là hoạt động bền vững; 203 công trình được đánh giá là hoạt động bình thường, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ hư hỏng, còn lại là các công trình kém hiệu quả. Đa phần các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung sau bàn giao đưa vào sử dụng trên địa bàn khu vực nông thôn tại các xã vùng cao chưa có người quản lý thực sự, khi có sự cố không có người chỉ đạo sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời, dẫn đến công trình ngày càng xuống cấp, hư hỏng. Đặc biệt, hơn 97% các công trình cấp nước được xây dựng, bảo đảm cung cấp nước sạch tại khu vực nông thôn chưa triển khai thu tiền sử dụng nước sinh hoạt hoặc có thu nhưng thu chưa đúng, chưa đủ nên dẫn đến không quản lý, điều phối được nguồn nước theo thiết kế, gây lãng phí nguồn nước. Đó là chưa kể đến tình trạng người dân tự đục đường ống để dẫn nước sinh hoạt vào ruộng, ao... Ban quản lý các công trình hạ tầng nông thôn cấp xã, các tổ quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt tại thôn bản được thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả…

 

 Người dân sử dụng nước sạch


Để việc nâng cao chất lượng công tác quản lý, vận hành, sử dụng các công trình nước sinh hoạt thì cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, các cấp ngành chức năng, đơn vị cần thực hiện nghiêm túc Quyết định số 59 ngày 30.12.2011 Quy định về thu tiền sử dụng nước sinh hoạt và mức hỗ trợ sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh và Thông tư số 54 ngày 4.5.2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Thành lập, kiện toàn các Ban quản lý cơ sở hạ tầng cấp xã, thôn bản để rà soát, thống kê lại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, xem xét cân đối, bố trí nguồn vốn của Nhà nước kết hợp với sự đóng góp của người dân để duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình bị hư hỏng, bảo đảm công trình sau đầu tư có thời hạn sử dụng lâu dài theo thiết kế xây dựng.

Tăng cường tuyên truyền vận động, công khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và vận động sự tham gia của người dân trong bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt tại thôn bản; chỉ đạo các thôn bản có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xây dựng quy chế bảo vệ để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ công trình; tổ chức tập huấn công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt cho các thành viên trong tổ quản lý.

Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ lắp đặt đồng hồ đến từng hộ dân để tiện công tác quản lý, vận hành và thu tiền sử dụng nước, đồng thời quan tâm kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng vật tư để xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tại khu vực nông thôn.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực