Cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến cấp huyện, xã

Thứ sáu, 22/05/2020 11:27
(ĐCSVN) – Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện và cấp xã do hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

trình bày Tờ trình về dự án Luật . Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, sáng 22/5, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế (TTQT).

Trình bày tờ trình về dự án luật, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, việc xây dựng Luật TTQT nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong công tác TTQT; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện TTQT, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Bởi vậy, việc ban hành Luật là cần thiết trong tình hình hội nhập hiện nay.

Theo dự thảo Luật, các chủ thể của Việt Nam được ký kết thoả thuận quốc tế bao gồm: Nhà nước, Chính phủ; Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ngoài ra còn có UBND cấp huyện và UBND cấp xã; cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp...

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, các ý kiến đều nhất trí chủ trương mở rộng chủ thể ký kết thoả thuận quốc tế về phía Việt Nam để phù hợp hơn với chủ trương hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc một số nội dung cụ thể, đặc biệt là việc mở rộng chủ thể ký kết thoả thuận quốc tế đến cấp huyện, cấp xã…

Có ý kiến cho rằng, việc mở rộng chủ thể ký kết thoả thuận quốc tế đến UBND cấp huyện và xã cần được cân nhắc thận trọng. Nguyên nhân là do hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định. Chính vì vậy không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được trao quyền ký kết.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cho biết, nhiều ý kiến cho rằng không nên phân cấp cho nhiều chủ thể ký kết thoả thuận quốc tế, bởi việc này dễ dẫn đến sự thiếu thống nhất giữa các địa phương, nhất là giữa các địa phương có chung đường biên giới với cùng một quốc gia như ở Việt Nam.

Về nguyên tắc ký kết và thực hiện TTQT, theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, nhiều ý kiến tán thành việc quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc nhưng không được trùng lắp với các nguyên tắc ký kết, thực hiện TTQT.

Theo quy định tại dự thảo Luật có một số nội dung trùng lắp, mâu thuẫn với các hành vi bị nghiêm cấm như: “Cấm ký kết TTQT làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của nước CHXHCN Việt Nam theo pháp luật quốc tế”, nhưng lại không bị coi là hành vi không được ký TTQT. Mặt khác, việc quy định cả điều khoản “không được” và điều khoản “cấm” trong dự thảo là không rõ ràng về mặt pháp lý, gây nên sự trùng lắp và thiếu nhất quán. Do đó, các ý kiến đề nghị thể hiện nội dung này tại một điều luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại  cũng cho biết, về việc ký kết TTQT cần tiếp tục nghiên cứu quy định chặt chẽ, khả thi, thực hiện cải cách hành chính; quy định về quy trình, thủ tục rút gọn phải tính đến các tình huống cụ thể, đáp ứng yêu cầu đối ngoại đột xuất./.

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực