Đề xuất quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán ​

Thứ ba, 08/05/2018 16:22
(ĐCSVN) – Hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước hiện nay chưa đầy đủ và đồng bộ, còn thiếu các quy định về chế tài, trong đó chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính...
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: KT)

Sáng 08/5, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo Rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật KTNN năm 2015.

Luật KTNN năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Đây là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN theo hướng thể chế hóa quy định Điều 118 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, sau gần 03 năm thi hành, một số quy định của Luật KTNN năm 2015 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định, như: nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN chưa tương xứng với vị trí, chức năng được giao; phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất; quy định về đơn vị được kiểm toán chưa bao quát hết các cơ quan, tổ chức có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về KTNN; một số quy định của Luật cần phải được quy định chi tiết cụ thể hơn, như quy định đối với ý kiến của KTNN trình Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước…

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất nên không tránh khỏi khó khăn khi tiến hành các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nói chung, của KTNN nói riêng.

Mở rộng đối tượng kiểm toán

Theo ông Đặng Thế Vinh, KTNN đã thành lập Ban chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ theo trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình thực hiện, KTNN tổ chức sơ kết thi hành Luật, kế thừa những quy định còn phù hợp, khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, bám sát thực tiễn của Việt Nam, có tham khảo kinh nghiệm KTNN các nước.

Một trong những vấn đề nhận nhiều ý kiến tại hội thảo là đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh nhấn mạnh, về nguyên tắc, ở đâu có tài chính công và tài sản công là ở đó có hoạt động kiểm toán (đối tượng kiểm toán của KTNN phải là hoạt động quản lý và sử dụng tài chính công và tài sản công của mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức) dù là quản lý, sử dụng dưới hình thức trực tiếp hay gián tiếp. Đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán là hai phạm trù có quan hệ mật thiết với nhau.

Luật KTNN đã quy định phù hợp Hiến pháp về đối tượng được kiểm toán nhưng quy định về đơn vị được kiểm toán lại chưa bao quát hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Trong thực tiễn hoạt động KTNN, một số chủ thể như cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước; các đơn vị, tổ chức, chủ đầu tư sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản… do không phải là đơn vị được kiểm toán nên khi tiến hành hoạt động kiểm tra, đối chiếu các đơn vị này, KTNN đã gặp không ít khó khăn.

Do vậy, cần quy định đầy đủ để làm cơ sở tiến hành kiểm toán đối với các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công (bao gồm các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng và cơ quan, tổ chức, đơn vị có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán).

Cần quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán

Một trong những bất cập hiện nay là hiện chưa có quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Từ thực tế thi hành pháp luật những năm qua đã phát sinh những vi phạm về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan như: cung cấp không đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu; không thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; cản trở việc kiểm toán; che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, ngân sách... Chỉ tính riêng năm 2017 có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các Đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch; nhiều trường hợp chậm cung cấp tài liệu theo yêu cầu của KTNN. Trong thực tế theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy số kiến nghị kiểm toán của KTNN không được các đơn vị thực hiện còn cao (năm 2015 có 35.7% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 8.179 tỷ đồng; năm 2016 có 24,4% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 5.097 tỷ đồng chưa được các đơn vị thực hiện)…làm thất thu ngân sách nhà nước, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật. Biện pháp chủ yếu hiện nay KTNN áp dụng là đôn đốc, nhắc nhở.

Về vấn đề này, ông Lê Anh Dũng - Q. Vụ trưởng Vụ Pháp chế giải thích, nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống pháp luật về KTNN hiện nay chưa đầy đủ và đồng bộ, còn thiếu các quy định về chế tài, trong đó chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN nên không có cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm trên của đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan mà chủ yếu áp dụng biện pháp nhắc nhở đã làm giảm hiệu lực hoạt động KTNN nói riêng và tính nghiêm minh của pháp luật nói chung.

“KTNN là lĩnh vực mới, đặc thù, hiện chưa quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của luật pháp và thực tiễn cần có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước để xóa bỏ “khoảng trống pháp luật” nói trên”- ông Lê Anh Dũng nói.

Bên cạnh đó, ông  Lê Anh Dũng cũng kiến nghị bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; bổ sung quy định thẩm quyền của KTNN giải quyết đối với các đơn thư tố cáo về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ một số vấn đề chủ yếu như: xem xét mối quan hệ phối hợp, phạm vi thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức bảo đảm hạn chế trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động kiểm toán nhà nước; về nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước.../.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực