Lắng nghe, tháo gỡ khó khăn về đất đai để nông dân yên tâm sản xuất

Chủ nhật, 24/11/2024 10:21
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” là dịp để lắng nghe các đại biểu nông dân, hợp tác xã tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… phán ánh, đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thi hành Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua.
 
 Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức sáng 24/11. Ảnh: TL

Sáng 24/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói”.

Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lắng nghe nông dân nói năm 2024 có chủ đề: "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn". Đây là lần đầu tiên đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì, cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân.

Đặc biệt, Diễn đàn có sự tham dự trực tiếp của hơn 200 nông dân tiêu biểu từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Diễn đàn cũng được kết nối đến hơn 10.000 điểm cầu là Hội Nông dân các cấp tỉnh, huyện, xã cả nước nhằm tuyên truyền, lan tỏa tới đông đảo cán bộ, hội viên nông dân cả nước.

Tập trung giải quyết vướng mắc về đất đai trong nông nghiệp, nông thôn

Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Những năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành hiệu quả, linh hoạt của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống của nông dân và cư dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh. 

 Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TL

Tuy nhiên, với đặc thù của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; cả về mặt khách quan và chủ quan như: tính phức tạp trong quản lý, sử dụng đất đai; về tích tụ, tập trung đất đai; quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất xanh của người nông dân còn nhiều khó khăn, thách thức; về bảo vệ môi trường nông thôn nhất là trong sản suất nông nghiệp, về rác thải sinh hoạt, làng nghề khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ...

Theo đồng chí Lương Quốc Đoàn với chủ đề: “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn”, Diễn đàn là dịp để lắng nghe các đại biểu nông dân, hợp tác xã tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… phán ánh, đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thi hành Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua; việc quản lý, điều hành, thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, về các giải pháp hướng tới mục tiêu NetZero. Diễn đàn cũng là tiền đề để lắng nghe, tổng hợp ý kiến của bà con nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân năm 2024.

Diễn đàn được tổ chức tại thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Nông dân, nông thôn là động lực, mục tiêu của quá trình phát triển

 Tại Diễn đàn, đồng chí Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân.

Kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Trung ương Đảng đã cụ thể hóa mục tiêu trên bằng nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Theo Bộ trưởng, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là lực lượng nòng cốt, quan trọng khi triển khai thực hiện các mục tiêu về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong đó, người nông dân luôn được xác định vừa là trung tâm vừa là chủ thể, vừa là động lực vừa là mục tiêu của quá trình phát triển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là hai cơ quan đã có truyền thống phối hợp hiệu quả, đã ký kết Chương trình phối hợp công tác qua nhiều giai đoạn. Hai cơ quan đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện rất có ý nghĩa, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ rất lớn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cũng như sự đồng hành của Hội Nông dân các địa phương; đặc biệt là việc tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, có tác động lớn đến người dân nông thôn như: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; cũng như các quy hoạch, chiến lược quan trọng của ngành Tài nguyên và Môi trường…

 Cũng theo Bộ trưởng, khu vực nông thôn Việt Nam với hơn 62 triệu người dân đang sinh sống, giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Hội Nông dân Việt Nam đã hình thành tổ chức hội các cấp xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương với số lượng hội viên đông đảo.

Khơi thông nguồn lực đất đai, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.

Bộ trưởng cũng cho biết, thực tiễn đang đòi hỏi chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; giải quyết tốt các thách thức về ô nhiễm môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bởi đây là những vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ TN&MT phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TL

“Ước tính lượng phát thải của hoạt động nông nghiệp chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải quốc gia, tương đương 65 đến 150 triệu tấn CO2/năm, đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực chung tay cùng bà con nông dân kéo giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu NetZero vào năm 2050”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn xác định Hội Nông dân các cấp là hệ thống nối dài, lực lượng quan trọng trong triển khai các chiến lược, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành, trong đó: quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên nước; bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là các nhiệm vụ được ưu tiên.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề: Cơ chế, chính sách và pháp luật về đất đai và những ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; các đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả thi hành chính sách mới của Luật Đất đai năm 2024; giới thiệu những sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt, mô hình hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; trong triển khai và vận dụng các điểm mới của chính sách để phát huy nguồn lực từ đất đai phục vụ việc cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững; trao đổi, chia sẻ của đại diện các bộ, ban, ngành với các cấp Hội Nông dân và bà con nông dân để có thể tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính, nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, sinh kế bền vững và chuyển đổi công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Việt Nam.

Theo Ban Tổ chức, tính đến thời điểm này, thông qua các kênh khác nhau như các cấp Hội Nông dân cả nước gửi về, ý kiến bạn đọc qua chuyên mục Lắng nghe nông dân trên Báo điện tử Dân Việt, đã có trên 1.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất, nguyện vọng được gửi đến hai đồng chí lãnh đạo, nhằm giải đáp các thắc mắc về một số vấn đề lớn về: Cơ chế, chính sách về thi hành Luật Đất đai, cơ chế, chính sách về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; Cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát huy, khơi thông nguồn lực từ đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội; các vấn đề về cơ chế chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải ròng, hấp thụ carbon; các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn…

Tại Diễn đàn, cán bộ, hội viên nông dân cả nước, các hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trực tiếp chia sẻ, đề xuất các ý kiến, nguyện vọng đối với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường về cơ chế, chính sách đất đai, khí hậu, môi trường. Trên cơ sở đó, lãnh đạo hai đơn vị sẽ trực tiếp lắng nghe và trao đổi với phương châm “cùng lắng nghe, cùng trao đổi” trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, đi thẳng vào trọng tâm các vấn đề liên quan./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực