Sư đoàn 308, Quân đoàn 1 tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới

Thứ hai, 05/06/2017 16:11
(ĐCSVN) - Qua hơn ba năm triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” của Bộ Quốc phòng. Chất lượng, hiệu quả thực hiện đề án ở Sư đoàn 308, Quân đoàn 1 đã được nâng lên rõ rệt, biểu hiện ở nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong Sư đoàn.


Bộ đội Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 luyện tập vượt chướng ngại nước. Ảnh: bqllang.gov.vn

Trong hơn ba năm triển khai, chất lượng công tác giáo dục chính trị ở cơ quan, đơn vị được nâng lên, hoạt động giáo dục chính trị đi vào nền nếp. Các nội dung, hình thức giáo dục chính trị được đổi mới và phát huy tác dụng tốt, góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị, niềm tin, lòng trung thành tuyệt đối của cán bộ, chiến sĩ đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Từ thực tiễn và kết quả thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” ở Sư đoàn 308, Quân đoàn 1, rút ra một số kinh nghiệm bước đầu như sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chính trị các cấp trong đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị.

Đây là kinh nghiệm có vai trò quan trọng, chi phối toàn bộ quá trình thực hiện đổi mới công tác giáo dục chính trị ở Sư đoàn. 

Thực tiễn cho thấy, tiến hành đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị là một hoạt động hết sức phong phú, sinh động trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, các nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, các đề xuất đổi mới được đưa ra trong quá trình tiến hành giáo dục chính trị đều mang tính khoa học, dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn hết sức cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính khả thi cao. Do đó, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chính trị các cấp là cơ sở, tiền đề tạo nhân tố gốc quyết định toàn bộ hoạt động đổi mới.

Đổi mới công tác giáo dục chính trị là một hoạt động khoa học, phức tạp đòi hỏi phải có sự tham gia của tất cả các tổ chức, lực lượng, trước hết là hệ thống các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chính trị các cấp. Do vậy, cần thiết phải có sự thống nhất cao về nhận thức, trách nhiệm và hành động giữa các chủ thể này mới có thể làm cho hoạt động đổi mới công tác giáo dục chính trị đạt hiệu quả tốt nhất. Do vậy, cần xác định rõ vị trí, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chính trị trong thực hiện Đề án. Trên cơ sở đó, tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng chủ thể trong tất cả các hoạt động đổi mới như: Xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đổi mới; xây dựng nghị quyết, kế hoạch; hướng dẫn tổ chức học tập, quán triệt; đánh giá sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm; đấu tranh chống các biểu hiện đề cao hoặc coi nhẹ hoạt động này cũng như xa rời mục tiêu, nội dung, nguyên tắc đổi mới đã được xác định trong Đề án.

Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chính trị trước hết cần tập trung làm rõ quan niệm về đổi mới công tác giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở chính là quy trình kế thừa, cải tiến, vận dụng sáng tạo nội dung, cách thức, phương pháp tiến hành công tác giáo dục chính trị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra. Cần có nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác giáo dục chính trị, sự cần thiết, cơ sở lý luận, thực tiễn của việc đổi mới và đặc biệt là mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung và các nguyên tắc đổi mới. Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chính trị thông qua các hoạt động như: Tổ chức tập huấn, học tập quán triệt, hội thảo khoa học, bồi dưỡng nghiệp vụ, tham quan, kiểm tra, toạ đàm trao đổi, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm qua sinh hoạt thường kỳ... Căn cứ vào điều kiện cụ thể của Sư đoàn để tổ chức các hoạt động trên cho phù hợp, bảo đảm sự thống nhất cao trong nhận thức; từ đó, nâng cao trách nhiệm cho từng chủ thể, đặc biệt là cơ quan chính trị, chính uỷ, chính trị viên, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giáo dục chính trị ở đơn vị.

Hai là, đổi mới công tác giáo dục chính trị phải bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Sư đoàn.

Đây là vấn đề khách quan, khoa học bởi đổi mới công tác giáo dục chính trị xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị của Sư đoàn và yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nhằm làm cho cán bộ, chiến sĩ trong Sư đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đổi mới công tác giáo dục chính trị và nhiệm vụ chính trị của đơn vị có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó với nhau rất chặt chẽ và hoàn toàn thống nhất với nhau mục tiêu, yêu cầu. Đổi mới công tác giáo dục chính trị trước hết phải trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và nguyên tắc đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị của đơn vị và công tác tư tưởng, văn hoá; làm cơ sở để đánh giá phẩm chất chính trị của cán bộ, đảng viên. Không thể nói thực hiện tốt việc đổi mới  công tác giáo dục chính trị mà đơn vị lại không hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mình hoặc ngược lại.

Do đó việc đổi mới công tác giáo dục chính trị những năm qua tại đơn vị đã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Sư đoàn là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đối ngoại quân sự và theo chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên, đặc biệt là mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, nguyên tắc được xác định trong Đề án. Đây là cơ sở quan trọng để cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong Sư đoàn thực hiện các nội dung, hình thức đổi mới.

Tóm lại, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nhiệm vụ công tác tư tưởng - văn hoá là nội dung cơ sở để tiến hành đổi mới; đồng thời thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà xem xét những khuyết điểm, tồn tại, rút ra những kinh nghiệm để việc đổi mới công tác giáo dục chính trị ngày càng đạt kết quả tốt hơn.

Ba là, coi trọng đổi mới nội dung hình thức, phương pháp giáo dục chính trị.

Đây là kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện đổi mới công tác giáo dục chính trị, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” ở Sư đoàn.

Trên cơ sở quán triệt mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và nguyên tắc đổi mới được xác định trong Đề án, cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong Sư đoàn luôn tích cực, chủ động đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành giáo dục chính trị sao cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể của cơ quan, đơn vị. Các chương trình, nội dung giáo dục chính trị luôn bảo đảm tính toàn diện, sát đối tượng. Các nội dung, hình thức giáo dục đảm bảo cơ bản, thiết thực.

Trên cơ sở chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, nhiệm vụ của Quân đội, lịch sử truyền thống của dân tộc, của Đảng, Quân đội và đơn vị đã được cụ thể hoá phù hợp với thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, để nội dung này được truyền tải đến các đối tượng học tập nhanh chóng và hiệu quả nhất; đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan nghiệp vụ cấp trên chuẩn bị tốt nội dung giáo dục cho bộ đội.

Cần xác định rõ phương châm: Cấp trên định hướng nội dung cụ thể cho cán bộ cấp dưới chuẩn bị. Cấp trên trực tiếp phê duyệt, đồng thời phát huy vai trò chủ động tích cực, sáng tạo của đội ngũ cán bộ các cấp trong chuẩn bị nội dung. Phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương trên địa bàn đóng quân biên soạn nội dung giáo dục truyền thống địa phương gắn với thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Chuẩn hoá các nội dung giáo dục cho đơn vị tự xác định bảo đảm sát thực tiễn, phù hợp với thời gian quy định. Duy trì nghiêm túc nề nếp thông báo chính trị, thời sự, phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hoá như: Nhà truyền thống, phòng truyền thống, thư viện, phòng Hồ Chí Minh, hệ thống nghe, nhìn, pa nô, áp phích, băng rôn, đổi mới các hoạt động thi đua, tuyên truyền như: Giao lưu văn hoá, văn nghệ với các đơn vị kết nghĩa.

Bốn là, tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức cho đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị tại đơn vị.

Đây là những chủ thể trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn và tiến hành các hoạt động giáo dục chính trị ở đơn vị. Phẩm chất, năng lực, uy tín kiến thức, trình độ, trách nhiệm và phương pháp, tác phong của đội ngũ này có vai trò quyết định trong việc truyền đạt kiến thức và các nội dung giáo dục chính trị cho các đối tượng.

Do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Đề án, cấp uỷ, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp trong Sư đoàn luôn quan tâm tăng cường bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ này phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, ý nghĩa, quy trình phương pháp chuẩn bị bài giảng, nâng cao chất lượng giáo án, động viên tạo điều kiện cho các đồng chí trực tiếp lên lớp giáo dục chính trị tiếp cận, nghiên cứu tài liệu; đặc biệt hướng dẫn thí điểm soạn giáo án theo phương pháp hỏi - đáp; kịp thời động viên, khen thưởng các đồng chí có phương pháp xử lý tài liệu, thông tin tốt, nội dung đầy đủ, ngắn gọn, những minh hoạ phong phú, đa dạng, có sức thuyết phục cao. Quan tâm bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị phương pháp cập nhật và sử dụng mô hình biểu đồ trực quan, minh hoạ cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, bảo đảm kết hợp tốt giữa hình ảnh minh hoạ với giải thích bằng lời, giữa phương pháp thuyết trình và phương pháp hỏi - đáp sao cho phù hợp với nội dung của từng bài giảng.

Cấp uỷ, chỉ huy các cấp luôn xác định việc nâng cao trình độ lý luận, phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống của đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị của Sư đoàn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành, phát triển nhân cách của cán bộ, chiến sỹ nên đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ này. Nội dung bồi dưỡng kiến thức toàn diện tập trung vào kỹ năng quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, công tác đảng, công tác chính trị, phương pháp sư phạm; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kinh nghiệm quản lý giáo dục. Thực hiện bồi dưỡng tại chức, theo hướng cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới, cán bộ có kinh nghiệm bồi dưỡng cho cán bộ mới; bồi dưỡng thông qua các hội thao, hội thi, phê duyệt giáo án; đồng thời luôn coi trọng, phát huy ý thức tự học, tự rèn của người cán bộ, đảng viên trong đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị ở cơ quan, đơn vị mình.

Năm là, thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong thực hiện đổi mới công tác giáo dục chính trị.

Thực tiễn hoạt động đổi mới công tác giáo dục chính trị ở Sư đoàn vừa qua cho thấy, muốn cho hoạt động này đạt hiệu quả tốt, cần phải thường xuyên tiến hành tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá đúng những kết quả đã đạt được và những mặt còn hạn chế, khuyết điểm, để từ đó giúp cho các cơ quan, đơn vị trong toàn Sư đoàn cũng như cấp uỷ, cơ quan nghiệp vụ cấp trên có những chủ trương, giải pháp kịp thời nhằm hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tốt công tác này.

Để công tác sơ kết, tổng kết đạt hiệu quả thiết thực, tránh lối làm hình thức, cần phải làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng nội dung sơ kết, tổng kết, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, tránh chung chung, dàn trải. Phương pháp sơ kết, tổng kết phải linh hoạt hướng vào cơ sở, xuất phát từ cơ sở để chỉ đạo, đúc rút kinh nghiệm. Cùng với việc sơ kết, tổng kết, cần coi trọng làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến những kinh nghiệm, những cách làm hiệu quả để nhân rộng điển hình trong quá trình tiến hành các nội dung đổi mới.

Công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động đổi mới công tác giáo dục chính trị theo Đề án của Bộ Quốc phòng ở Sư đoàn luôn được cấp uỷ, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; có các chủ trương, biện pháp cụ thể, chỉ đạo sơ kết, tổng kết từ dưới lên trên; có kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả cụ thể từ các cơ quan, đơn vị; qua đó, đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đổi mới giáo dục chính trị trong toàn Sư đoàn.

Những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện, nâng cao hiệu quả Đề án trong Sư đoàn là cơ sở, tiền đề quan trọng để cấp uỷ, chỉ huy các cấp quán triệt, thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị ở các cơ quan, đơn vị; xây dựng Sư đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.

Đại tá, TS Nguyễn Trường Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực