Ðóng cửa sàn vàng: Chứng khoán và bất động sản sẽ "nóng"?

Thứ hai, 18/01/2010 16:48
Ngừng giao dịch tất cả các sàn vàng trước ngày 30-3-2010 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ là một quyết định hợp lòng dân bởi hoạt động đầu cơ trên các sàn vàng vừa qua đã gây xáo trộn rất lớn tới đời sống, kinh tế xã hội của người dân và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của hệ thống tín dụng. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người quan tâm là sau khi quyết định này có hiệu lực, dòng tiền của nhà đầu tư sẽ chảy về đâu?

Chứng khoán sẽ "nóng"

Sàn vàng ACB trên phố Phùng Hưng những ngày đầu tháng 1 khá vắng vẻ. Nhiều nhà đầu tư đã tính tới phương án kinh doanh trong năm mới. Ông Nguyễn Quyết Thắng, một nhà đầu tư bày tỏ: “Tôi không ngạc nhiên khi Chính Phủ ban hành quyết định cấm kinh doanh vàng qua tài khoản bởi dẫu sao hiện nay luật lệ kinh doanh vàng cũng không chặt chẽ, mọi thiệt thòi đều rơi vào nhà đầu tư. Tôi đã lỡ tham gia 6 tháng nay thì phải đâm lao thôi chứ thực tình cũng cảm thấy mệt mỏi lắm rồi”. Khi chúng tôi hỏi liệu nguồn vốn của ông rút ra từ sàn vàng sẽ tiếp tục chảy về đâu? Ông Thắng không ngần ngại cho biết: "Có lẽ tôi sẽ đầu tư một số mã cổ phiếu có uy tín trên sàn chứng khoán bởi dẫu sao phương thức kinh doanh của hai loại hình này cũng gần giống nhau".

Cũng như ông Thắng, chị Phương Nam, một nhà đầu tư trên sàn vàng ACB cũng cho phóng viên biết, tiền vốn của chị sẽ chuyển sang đầu tư chứng khoán bởi đặc tính thị trường chứng khoán gần giống vàng ví dụ như khả năng thanh khoản, dùng đòn bẩy tài chính. "Chứng khoán cũng có cơ hội kiếm lời nhanh trong ngắn hạn giống như vàng, mà nhiều nhà đầu tư có lẽ đã quen với cảm giác này".

Hiện nay, lượng giao dịch vàng ở các sàn đã giảm đáng kể và tất nhiên con số sẽ tiếp tục giảm khi càng gần thời điểm 30-3-2010. Điều này đồng nghĩa với việc lượng tiền nhàn rỗi sẽ tăng dần lên. Và những ngày đầu tháng 1-2010, sự bùng nổ giao dịch ở cả hai sàn chứng khoán như đã minh chứng cho hướng đi của dòng tiền. Một chuyên gia kinh tế phân tích: "Chỉ tính riêng sàn vàng ACB đã có khối lượng giao dịch trung bình là 500.000 lượng/ngày. Với giá trị 25 triệu đồng/lượng thì tiền thực đổ vào sàn vàng này trong một ngày vào khoảng 875 tỷ đồng. Trong khi đó, các sàn vàng khác cũng giao dịch đến ngàn tỷ/ngày, từ đó có thể thấy lượng tiền thật giao dịch trên sàn vàng là một con số rất lớn. Người tham gia đầu tư trên sàn vàng thường mang tính đầu cơ cao, mua đi bán lại rất nhanh để kiếm lời chênh lệch, chính vì vậy kênh đầu tư tiết kiệm sẽ không hấp dẫn họ khi lãi suất thấp và quá an toàn. Đương nhiên sẽ chảy về chứng khoán".

Bất động sản sẽ lên giá ở một số khu vực

Phóng viên đã làm một cuộc phỏng vấn nhanh 20 nhà đầu tư trên sàn vàng IGI trên phố Hai Bà Trưng và cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi con số các nhà đầu tư bày tỏ ý định đổ tiền vào bất động sản cũng chiếm tới 50% lượng người được phỏng vấn.

Anh Nguyễn Tiến Trung, nhà đầu tư tại sàn vàng IGI phân tích: "Tôi cũng như rất nhiều nhà đầu tư vàng khác đã từng lỗ vốn từ đợt "sóng "thần" trên sàn vàng thời gian vừa qua khi mà giá vàng lên tới gần 30 triệu đồng/lượng. Giờ thì tôi sẽ quyết định đầu tư vào đất đai bởi con người sinh ra chứ đất không thể nở ra được. Và đầu tư vào bất động sản rất an toàn, không bao giờ là hết giá trị, ít nhất không bán được thì tôi cũng xây nhà để ở hoặc nghỉ dưỡng". Tuy nhiên, theo anh Trung việc lựa chọn khu vực nào để đầu tư đất hiện nay mới là vấn đề quan trọng bởi từ tháng 8-2009, giá bất động sản ở một số khu vực tại Hà Nội đã tăng cao một cách vô lý. "Tôi sẽ chọn khu vực mà giá đất chưa bị tăng ảo như Gia Lâm, Long Biên, Thạch Bàn... Sau khi cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì hoàn thành, giao thông khu vực này rất thuận tiện mà giá đất chỉ ở mức trên dưới 25 triệu đồng/m2 là rất hợp lý so với khu vực phía Tây đã lên tới 60 triệu đồng tới 100 triệu đồng/m2".

Một số sàn giao dịch bất động sản và nhận thấy, số lượng người tới hỏi giá cả đã tăng lên nhiều so với thời điểm tháng 12-2009. Tuy nhiên, số người quyết định tiếp tục mua đất ở khu vực phía Tây không nhiều. Chủ yếu là tới nghe ngóng do giá ở những khu vực này đã lên mức khá cao. Thí dụ khu C của khu đô thị Dương Nội (cách sân vận động Mỹ Đình tới 9km và mất 1 tiếng đồng hồ mới lên tới trung tâm quận Hoàn Kiếm) đã có giá tới 30 triệu đồng/m2. Hay chung cư trên đường Lê Văn Lương kéo dài đã có mức giá từ 25-40 triệu đồng/m2. Bởi vậy, số người muốn đầu tư vào khu vực này rất hạn chế.

Tại một số trung tâm giao dịch nhà đất ở khu vực Gia Lâm, không khí mua bán trái ngược hẳn với phía Tây. Người hỏi mua đất với mức giá từ 22 triệu đồng tới 27 triệu đồng/m2 tại các khu đất đấu giá hay đô thị mới tăng lên đáng kể. Chị Xuân, một người đang tìm mua đất ở khu vực Thạch Bàn cho biết:" Tôi mới tất toán ở sàn vàng và tìm tới đây mua đất xây nhà. Với mức giá 24 triệu đồng/m2 mà ô tô vào được, khu quy hoạch lại rộng rãi, đường sá khang trang thì không có gì phải suy nghĩ. Từ đây, chỉ cần 10 phút qua cầu Vĩnh Tuy là tôi tới được cơ quan ở đường Trần Khát Chân rồi". Còn một khách hàng đang tìm mua đất liền kề tại khu quy hoạch đô thị đấu giá quyền sử dụng đất của thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm bày tỏ:"Đất liền kề ở đây chỉ có giá 20-25 triệu đồng/m2 mà cơ sở hạ tầng đồng bộ, trường học, công viên đầy đủ, lại được tiền của Nhà nước đầu tư thì rất rẻ. Quãng đường từ đây tới Hoàn Kiếm lại không tắc, chỉ mất 20 phút, nhanh hơn đi từ Hà Đông hay phía cầu Diễn sang, dân cư lại ở rất văn minh nên tôi quyết định mua ở đây nếu không giá còn tăng lên cao hơn nữa". 

Còn một nhà đầu tư ở sàn vàng Việt Á đang tìm mua đất ở Việt Hưng phân tích:"Chúng ta hiện có 20 sàn giao dịch vàng. Riêng sàn vàng ACB mỗi ngày đã giao dịch 500.000 lượng/ngày, EIB thì 400.000 lượng/ngày. Chỉ tính 2 sàn này thôi thì mỗi ngày lượng giao dịch đã đạt 900.000 lượng. Giả sử, tổng khối lượng giao dịch của 20 sàn vàng là 5 triệu lượng mỗi ngày thì giá trị tiền giao dịch là 135.000 tỷ đồng mỗi ngày (nếu tính giá vàng là 27 triệu đồng/lượng). Con số 135.000 tỷ là kể cả tiền của nhà đầu tư và tiền ngân hàng cho vay (93%). Vậy, lượng tiền "tươi thóc thật" của nhà đầu tư là 9.450 tỷ mỗi ngày. Khi đóng cửa các sàn vàng, mỗi ngày sẽ có 9.450 tỷ đồng bơ vơ không nơi nương tựa. Và đương nhiên sẽ đi tìm những nơi đầu tư sinh lời. Vậy nên tôi không thể không mua đất".

Rất nhiều nhà đầu tư cho biết, họ sẽ nhanh chóng mua đất ở một số khu vực chưa bị tăng ảo. Khi được hỏi tại sao không chờ giá đất hạ giá rồi mới mua, một nhà đầu tư có kinh nghiệm cho biết:" Sau khi thành phố ban hành khung giá đất mới để làm cơ sở cho đền bù giải phóng mặt bằng, nộp thuế trước bạ... thì có nơi đã tăng tới 40%. Ngay cả khu vực huyện Gia Lâm mức đền bù của Nhà nước đã lên tới 21 triệu đồng/m2 ở một số khu vực trung tâm thì đương nhiên, giá đất sẽ khó có cơ hội giảm thêm".   

Còn rất khó để nhận định, rằng thị trường chứng khoán hay bất động sản sẽ tăng mạnh mẽ và tăng trong bao lâu bởi sự chuyển động này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chính sách tài chính tiền tệ, kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, khi những đồng vốn từ vàng đang có sự dịch chuyển thì ít nhất, sàn chứng khoán và đất đai ở một số khu vực sẽ nóng lên.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực