Nhật Bản cáo buộc tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển gần quần đảo tranh chấp
Thứ hai, 06/07/2020 15:53 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Hãng thông tấn NHK dẫn lời các quan chức JCG cho biết 2 tàu tuần tra của Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển ngoài khơi quần đảo tranh chấp hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, vào khoảng 2 giờ sáng 4/7 và chỉ rời khu vực này vào khoảng 17 giờ 40 phút chiều 5/7.
|
Từ nhiều năm qua, tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đã trở thành nguồn cơn gây căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật. (Ảnh: CNN) |
Trước đó, 2 tàu tuần tra này cũng đã đi vào lãnh hải Nhật Bản trong khoảng 30 giờ vào các ngày 2-3/7. Trong thời gian đó, các tàu này đã nhiều lần tiếp cận một tàu đánh cá của Nhật Bản trong khu vực này.
Cũng theo JCG, vào khoảng 18 giờ ngày 5/7, 4 tàu của Trung Quốc vẫn tiếp tục hành trình trong vùng tiếp giáp ngay sát lãnh hải Nhật Bản. JCG đang giám sát và cảnh báo các tàu này tránh xa hải phận Nhật Bản.
Các tàu Trung Quốc được cho là đã nhiều lần xuất hiện xung quanh vùng biển gần quần đảo tranh chấp trong suốt 83 ngày qua. Tháng 5/2020, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã lên tiếng chỉ trích việc tàu hải cảnh Trung Quốc truy đuổi một tàu cá của Nhật Bản tại vùng lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp. Ngày 21/4, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng đã tỏ rõ lập trường phản đối việc các tàu Trung Quốc đi vào vùng hải phận gần quần đảo tranh chấp.
Các nhà phân tích đang lo ngại, trong bối cảnh căng thẳng biên giới Trung - Ấn chưa được cởi bỏ, những tranh cãi đang tiếp diễn giữa Trung Quốc và Nhật Bản về chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senaku có nguy cơ sẽ khiến tình hình khu vực càng trở nên rối ren.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa, Nhật Bản, khoảng 400 km về phía Tây hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này. Những tranh chấp về chủ quyền đã đẩy quan hệ Trung - Nhật vào tình trạng căng thẳng trong nhiều năm qua, đặc biệt sau khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012.
Kể từ sau thời điểm trên, quan hệ giữa hai nền kinh tế top đầu châu Á đã có dấu hiệu được “hâm nóng trở lại” song cũng có những lúc căng thẳng tái diễn. Tháng 6/2019, hai nước lên kế hoạch tổ chức chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 4 vừa qua nhằm mục tiêu cải thiện các mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, đầu tháng 3/2020, hai bên thông báo trì hoãn chuyến thăm này của ông Tập Cận Bình để có thể tập trung chống đại dịch COVID-19./.
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)