Virus corona có thể khiến Trung Quốc thiệt hại 60 tỷ USD trong quý I/2020

Thứ bảy, 01/02/2020 09:48
(ĐCSVN) – Các chuyên gia kinh tế nhận định, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ thiệt hại khoảng 60 tỷ USD trong quý I/2020 do dịch viêm đường hô hấp do chủng virus corona mới (2019-nCoV) gây ra.
 Dịch viêm đường hô hấp do chủng virus corona mới gây ra đang khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng lao đao. (Ảnh: CNN)

Sự bùng phát của virus corona có nguy cơ làm mất đi sự ổn định vốn dĩ đã rất mong manh của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Mặc dù còn quá sớm để đánh giá đầy đủ các tác động mà chủng virus corona gây ra đối với  nền kinh tế Trung Quốc, nhưng có thể rõ ràng nhận thấy, virus đang gây tổn hại cho hoạt động tiêu dùng và ngành du lịch, dịch vụ của nước này. Một số nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý I/2020 có thể giảm 2% do dịch bệnh bùng phát.

Dịch viêm đường hô hấp do chủng virus corona mới bùng phát khiến nền kinh tế Trung Quốc vốn đang trong tình trạng lao đao lại rơi vào tình thế khó có thể cứu vãn. Năm 2019, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong gần 3 thập kỷ qua bởi nợ công ngày càng gia tăng, tiêu dùng trong nước sụt giảm và các tổn thất từ thương chiến Mỹ - Trung. Các nhà kinh tế thuộc Công ty Nomura cho rằng, chủng virus corona mới có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc mạnh hơn cả đại dịch SARS năm 2003.

Chủng virus corona mới lần đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Tính đến ngày 31/1, nhà chức trách Trung Quốc cho biết, tổng cộng đã có 9.692 người nhiễm virus corona trên cả nước, trong đó gần 2.000 ca mới nhiễm và 213 người tử vong. Con số này được cho là vượt số ca lây nhiễm từ dịch SARS năm 2003. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca nhiễm SARS tại Trung Quốc chỉ vượt mốc 5.000 sau hơn 6 tháng. Tờ People’s Daily trong một bài bình luận gần đây đã viết, ngăn chặn dịch bệnh lây lan là “ưu tiên hàng đầu” đối với Chính phủ Trung Quốc ngay lúc này. Tính đến nay, chính quyền trung ương và địa phương nước này đã phân bổ 12,6 tỷ USD cho việc điều trị và mua sắm các thiết bị y tế.

CNN dẫn lời nhà kinh tế Patrick Perret-Green thuộc AdMacro cho rằng dịch virus corona và các biện pháp chống cự của Trung Quốc có thể đẩy GDP năm 2020 của nước này xuống mức 3,9% như năm 1990.

Tình hình hiện tại khiến Bắc Kinh phải tăng cường thực hiện hàng loạt chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ trong thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, Trung Quốc có thể sẽ phải cắt giảm thuế, tăng chi tiêu và thậm chí phải cắt giảm lãi suất. Các ngân hàng lớn đã cắt giảm lãi suất cho các doanh nghiệp tại các khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất do dịch bệnh gây ra.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BoC) cho biết sẽ cho phép người dân tại Vũ Hán và một số khu vực của tỉnh Hồ Bắc có thể hoãn thanh toán các khoản vay trong vài tháng tới nếu dịch bệnh đang lây lan ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người dân. BoC cũng cho biết sẽ đảm bảo có đủ thanh khoản trên thị trường tài chính khi Ngân hàng mở cửa trở lại vào ngày 3/2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 10 ngày.

Bên cạnh đó, ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc IHS Markit cho biết, dịch virus corona sẽ không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Trung Quốc mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, hàng không thương mại, bán lẻ…

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho biết, dịch bệnh do virus corona ảnh hưởng đến nền kinh tế của đảo quốc sư tử. Chính phủ nước này đang xem xét các biện pháp hỗ trợ như cắt giảm thuế cho người lao động thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng như du lịch.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra tại Trung Quốc và lây lan ra những quốc gia khác, tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp WHO tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 31/1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng virus corona mới gây ra./.

 

 

Hoài Hà (Theo CNN, Bloomberg)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực