Những con số "nhức nhối" sau 200 ngày chiến sự ở Gaza

Thứ tư, 24/04/2024 14:55
(ĐCSVN) – Ngày 23/4, cuộc xung đột ở Gaza cán mốc 200 ngày kể từ sau khi Israel phát động chiến dịch trả đũa phong trào Hồi giáo Hamas. Ban đầu, giao tranh chỉ diễn ra ở miền Bắc rồi lan xuống phía Nam Gaza và tới tận bây giờ vẫn chưa tới hồi kết. Xung đột lan rộng càng khiến nỗi thống khổ của người dân Gaza thêm chồng chất.

Hàng trăm nghìn người hứng chịu thương vong

 Nhân viên y tế Palestine chuyển thi thể những người chết được phát hiện gần bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza. (Ảnh: AFP)

Ngày 23/4, hãng tin aljazeera dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Y tế Gaza cho biết, đã có ít nhất 34.183 người thiệt mạng và 77.084 người bị thương do các cuộc tấn công của Israel vào dải đất hẹp ven Địa Trung Hải.

Thông tin cập nhật của Văn phòng Truyền thông Gaza công bố ngày 23/4 cho biết thêm, khoảng 72% số người thiệt mạng nói trên là phụ nữ và trẻ em. Hiện có khoảng 7.000 người Gaza đang mất tích, với nhiều người trong số đó được cho là đang bị chôn vùi dưới các đống đổ nát.

Trong một nhận định đưa ra ngày 22/4, người đứng đầu Cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk cho biết, cứ 10 phút lại có 1 trẻ em ở Gaza thiệt mạng hoặc bị thương do xung đột.

Bà Emily Tripp - Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Airwars có trụ sở tại London (Anh) chuyên theo dõi thương vong trong chiến tranh - cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến số người chết trong 200 ngày qua ở quy mô chưa từng có… Chúng tôi cũng đã ghi nhận nhiều sự việc cướp đi sinh mạng của dân thường ở Gaza kể từ ngày 7/10/2023, tương tự như những gì chúng tôi đã chứng kiến trong 8 năm Mỹ và đồng minh theo đuổi chiến dịch chống IS ở Iraq và Syria”.  “Chúng tôi đã ghi nhận các cuộc không kích khiến hơn 100 người thiệt mạng và tin tức này hầu như không được đưa tin trên các mặt báo quốc tế” – bà Tripp trăn trở.

62% nhà cửa bị phá hủy

Xung đột tiếp diễn nhiều ngày qua đã khiến nhiều khu dân cư trên khắp Gaza bị phá hủy. Theo Văn phòng truyền thông Gaza, ít nhất 75.000 tấn chất nổ đã được lực lượng Israel thả xuống Gaza.

Ngày 23/4, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông của Liên hợp quốc (UNRWA) cho biết, hơn một triệu cư dân ở Dải Gaza đã mất nhà cửa cùng với 75% dân số ở Gaza đã phải di dời kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ cách đây 200 ngày. Trong bài viết đăng trên mạng xã hội X, UNRWA đã mô tả “ sự tàn phá xảy ra ở khắp mọi nơi ở Gaza. Thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng quan trọng là rất lớn”.

Trước đó, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc công bố ngày 2/4 cho biết thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng quan trọng trong 4 tháng đầu diễn ra cuộc xung đột ở Gaza ước tính đã lên tới 18,5 tỷ USD.

1,1 triệu người bị thiếu lương thực “nghiêm trọng”

Theo thang đo Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) của Liên hợp quốc để đo lường mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất an ninh lương thực, hiện khoảng 1,1 triệu người (tương đương một nửa dân số của Gaza trước thời điểm xảy ra xung đột) đang sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

IPC cảnh báo, nạn đói có thể xảy ra ở khu vực phía Bắc Gaza vào tháng 5 và có thể lan rộng khắp khu vực vào tháng 7. Theo định nghĩa của IPC, nạn đói xảy ra khi có ít nhất 20% số hộ gia đình trong một khu vực phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, ít nhất 30% trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính và cứ 10.000 người thì lại có ít nhất 2 người lớn hoặc 4 trẻ em tử vong mỗi ngày do bị đói hoàn toàn hoặc kết hợp giữa suy dinh dưỡng và bệnh tật.

Ngày 23/4, Văn phòng truyền thông Gaza cho biết, ít nhất 30 trẻ em ở Gaza đã bị chết đói. Trong khi đó, 1,09 triệu người ở vùng lãnh thổ này đã bị nhiễm bệnh trong quá trình di dời nơi ở do xung đột.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột bước sang ngày thứ 200 liên tiếp ở dải đất hẹp Gaza cũng khiến công việc của các nhân viên UNRWA bị cản trở. Theo số liệu thống kê từ Liên hợp quốc, hơn 200 nhân viên cứu trợ đã bị thiệt mạng do các cuộc tấn công trả đũa giữa Israel và phong trào Hamas, với phần lớn trong số này là người Palestine.

UNRWA cho biết, tính đến ngày 16/3, tổ chức này đã bị tổn thất 180 nhân viên trong khi làm nhiệm vụ ở Gaza.  

 Người dân Palestine chờ nhận thực phẩm trong tháng ăn chay Ramadan. (Ảnh: Reuters)

Nguồn nhân lực và cơ sở y tế bị tàn phá nặng nề

Kể từ sau thời điểm phát động chiến dịch tấn công trả đũa phong trào Hamas từ ngày 7/10/2023, lực lượng Israel đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào các bệnh viện ở Dải Gaza, bao gồm cả việc bao vây một số cơ sở y tế lớn nhất ở khu vực này.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 30/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trong tổng số 36 bệnh viện ở Gaza thì hiện chỉ còn 10 bệnh viện duy trì chức năng hoạt động “tối thiểu”.

Ngày 22/4, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền sức khỏe – bà Tlaleng Mofokeng cho biết, ít nhất 350 chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã thiệt mạng kể từ sau thời điểm bùng phát xung đột ở Gaza ngày 7/10 năm ngoái, trong khi số người bị thương đã lên tới 520. Tuy nhiên, theo bà Mofokeng, “đây cũng chỉ là những con số thống kê chưa đầy đủ”. Bà Mofokeng cho rằng, chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza ngay từ đầu đã là một “cuộc chiến tranh chống lại quyền sức khỏe” và đã “xóa sổ” hệ thống y tế ở dải đất này.

Trong khi đó, Văn phòng truyền thông Gaza, ngày 23/4 cho biết 485 nhân viên y tế đã thiệt mạng kể từ khi xung đột ở Gaza bùng phát.

Trong những tháng gần đây, lực lượng Israel đã tiến hành bao vây một số cơ sở y tế quan trọng của Gaza. Mới đây, người ta đã tìm thấy gần 300 thi thể đã được tìm thấy tại một ngôi mộ tập thể bên trong Khu liên hợp y tế Nasser ở Khan Younis, chỉ vài tuần sau khi lực lượng Israel rút lui khỏi đây.

Trong tháng 4/2024, lực lượng chức năng cũng đã tìm thấy nhiều thi thể tại Bệnh viện al-Shifa ở thành phố Gaza, nơi bị lực lượng Israel bao vây trong nhiều tuần.

4 dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn bị phủ quyết

Xung đột lan rộng gây nhiều nỗi thống khổ cho dân thường đã khiến việc thiết lập một lệnh ngừng bắn ở Gaza trở nên cấp bách. Tuy nhiên, những toan tính cùng nhiều bất đồng chưa thể thu hẹp đã khiến triển vọng mang lại hòa bình cho dải đất hẹp ven Địa Trung Hải ngày càng mờ nhạt.

Kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10/2023, trước sự cấp bách của tình hình thực tế, nhiều nỗ lực quốc tế đã được thực hiện với hy vọng mang lại cuộc sống yên bình cho người dân Gaza. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã triệu tập nhiều phiên họp, tuy nhiên, lại rất ít lần các bản dự thảo nghị quyết về kêu gọi ngừng bắn được thông qua.

Mỹ đã 3 lần phủ quyết các dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn ở Gaza kể từ ngày 7/10/2024. Trong khi đó, bản dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn thứ tư đã bị Algeria, Nga và Trung Quốc bác bỏ ngày 23/3 vì cho rằng bản dự thảo nghị quyết không đề cập tới việc gây áp lực cho phía Israel.

Sau nhiều nỗ lực không mang lại kết quả như mong đợi, ngày 25/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên đã thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Gaza trong thời gian ít ỏi còn lại của tháng lễ Ramadan. Mỹ đã bỏ phiếu trắng, trong khi 14 thành viên khác, bao gồm Nga, Trung Quốc và Anh bỏ phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, nghị quyết mang tính ràng buộc của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã không thể phát huy hiệu lực và giao tranh ở Gaza vẫn tiếp diễn.

Sau những cột mốc đầy bi thương và ám ảnh, không biết đến bao giờ, hòa bình sẽ đến với người dân Gaza.../.

T.Lan (Theo aljazeera, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực