Bế mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5

Thứ sáu, 16/12/2016 21:11
(ĐCSVN) – Chiều 16/12, tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” đã bế mạc. Hội thảo do Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với các bộ, ngành tổ chức

Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 đã kết thúc tốt đẹp. Ảnh: Văn Toản

Phát biểu tại buổi bế mạc, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQGHN - Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo khẳng định, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các nhà khoa học trong và ngoài nước, sự quan tâm cộng đồng và đã thành công tốt đẹp.

Về quy mô, Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm đăng ký và gửi tóm tắt báo cáo của hơn 1.200 nhà khoa học, trong đó có 150 nhà khoa học nước ngoài đến từ trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. 834 bản báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn đã được lựa chọn trình bày tại hội thảo, trong đó có 30 báo cáo được mời và đặt hàng từ các học giả có uy tín và tầm ảnh hưởng hàng đầu trên thế giới về ngoại giao, văn hóa, kinh tế, giáo dục, đổi mới sáng tạo và biến đổi khí hậu.

27 báo cáo toàn văn đầu tiên là các báo cáo chính đã được xuất bản chính thức ở Tạp chí Khoa học ĐHQGHN – một tạp chí có truyền thống từ năm 1985.

Về ý nghĩa, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức chia sẻ, Hội thảo đã thực sự là nhịp cầu kết nối các nhà Việt Nam học và nghiên cứu Việt Nam trên toàn cầu, không những thúc đẩy kết nối mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam mà đã bắt đầu hình thành các nhóm nghiên cứu phối hợp quốc tế. Đồng thời, Hội thảo lần này là một dấu mốc gắn kết, phát triển, đưa sự quan tâm của Việt Nam học truyền thống đến với những lĩnh vực rộng hơn, liên ngành hơn, gắn với các vần đề đương đại của Việt Nam.

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức nêu rõ,  các học giả trong nước và quốc tế đã thảo luận về 6 nhóm lĩnh vực ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; nguồn lực văn hóa; giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao tri thức và công nghệ; kinh tế và sinh kế; biến đổi khí hậu (BĐKH).  Các chuyên gia về BĐKH Việt Nam và quốc tế đã khá thống nhất khi nhận định, Việt Nam là một trong ít quốc gia chịu tổn thương nhiều nhất do BĐKH). Vì vậy ứng phó thông minh với BĐKH gắn liền với phát triển bền vững được xem là lựa chọn thích hợp nhất cho Việt Nam. Để giảm thiểu hậu quả của BĐKH, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo, cần đấy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, khai thác tài nguyên năng lượng gió, năng lượng mặt trời và khí sinh học, vấn đề giảm thiểu BĐKH trong bối cảnh phát triển bền vững.

“Là đơn vị đầu mối tổ chức Hội thảo lần này, ĐHQGHN trực tiếp tiếp nhận các thành quả của Hội thảo để phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức; tập hợp các ý kiến tư vấn của các nhà khoa học báo cáo lãnh đạo Đảng và Chính phủ” - GS.TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

Được biết, Hội thảo Việt Nam học lần thứ 6 sẽ được tổ chức vào năm 2020./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực