Giám sát hỗ trợ đúng đối tượng, tránh thất thoát, trục lợi chính sách

Thứ hai, 27/04/2020 21:19
(ĐCSVN) - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn yêu cầu Mặt trận các cấp thực hiện nghiêm việc giám sát xác định đối tượng, công khai mức và danh sách đối tượng được hỗ trợ; phát huy tối đa vai trò của đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đồng thời tránh thất thoát, trục lợi chính sách.

Chính phủ tích cực hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19

Điểm đặc biệt của gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Minh bạch, không để trục lợi chính sách

Quang cảnh Hội nghị. 

Chiều 27/4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ.

Các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân đã quán triệt và hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP; Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn cho đại dịch COVID-19.

Quán triệt nội dung giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID -19, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, thông qua giám sát của MTTQ và tổ chức thành viên của Mặt trận bảo đảm việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ được triển khai đúng đối tượng, công bằng, chính xác và kịp thời.

Theo đó, hoạt động giám sát chủ yếu tập trung vào giám sát việc hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hoặc nghỉ  việc không hưởng lương; hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu/năm tạm ngừng kinh doanh từ 01/4/2020; hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội có quyết định hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, trong danh sách hưởng trợ cấp xã hội tháng 4 năm 2020; giám sát việc giám sát việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Bên cạnh đó cũng giám sát việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; giám sát việc hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng (bao gồm cả thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hằng tháng) trong danh sách hưởng trợ cấp tháng 4/2020 (gọi tắt là người có công và gia đình chính sách). Đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ; đối với các địa phương có ban hành chuẩn nghèo riêng, hộ nghèo, hộ cận nghèo được xác định theo chuẩn nghèo của địa phương.

Trên cơ sở các nội dung được quán triệt tại Hội nghị, các địa phương đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, trên cơ sở đó, Trung ương có hướng dẫn để việc triển khai không bị lúng túng, không xảy ra sai sót.  Các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất phải tăng cường vai trò giám sát của MTTQ và các thành viên.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị .

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ lần này của Chính phủ là chưa từng có tiền lệ, thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân trong giai đoạn khó khăn. Do đó, cần được triển khai minh bạch, đúng đối tượng và kiên quyết xử lý những sai phạm trong quá trình thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 “Bên cạnh quy định đúng, minh bạch cần làm khẩn trương, không để chính sách đưa ra rồi lòng vòng mãi. Tôi xin nói dân khao khát mong chờ lắm rồi, lúc người ta đói, cần phải hỗ trợ ngay. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Trước thông tin các địa phương đã và đang triển khai hỗ trợ ngay trong tháng 4 đối với 4 nhóm đối tượng (người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và bảo trợ xã hội), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định: Nói như vậy không có nghĩa là các nhóm kia không được triển khai ngay. Đặc biệt, lao động tự do gặp khó khăn đang cần được ưu tiên triển khai sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khuyến khích các địa phương sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chi trả theo hình thức chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng của các đối tượng thụ hưởng hoặc theo hệ thống bưu điện. Đặc biệt, công đoàn cùng với các địa phương trong quá trình triển khai không để một số doanh nghiệp tranh thủ thời gian này tìm cách ngừng hợp đồng, gây khó khăn cho người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện Quyết dịnh số 15 bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời chính xác. Trong quá trình thực hiện đề cao trách nhiệm và sẵn sàng giải trình trước Quốc hội, Chính phủ và nhân dân. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc tình hình thực hiện ở địa phương đơn vị. Không để lợi dụng để trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng lãng phí, lợi ích nhóm… Đặc biệt xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có, thậm chí cả xử lý hình sự.

Liên quan tới quá trình giám sát, đồng chí Đào Ngọc Dung đề nghị Ủy ban Mặt trận các cấp, đoàn thể xã hội các cấp tham gia ngay từ đầu trong việc rà soát lên danh sách, chứ không chờ lập xong danh sách mới giám sát. Về phía Bộ LĐ-TB&XH sẽ lập đường dây nóng và một trang thông tin điện tử để cập nhật, giải đáp các vướng mắc của địa phương.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị. 

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, để thực hiện nghiêm Nghị quyết 42, Quyết định số 15 và những chính sách hỗ trợ của Chính phủ kịp thời đến đúng đối tượng, không để xảy trường hợp nào có tiêu cực trong thực hiện ở các cấp, các ngành, các địa phương, MTTQ, ngành Lao động Thương binh và xã hội, các sở, ngành, chính quyền các cấp trước hết phải: “Phối hợp chặt chẽ - Tuyên truyền rộng rãi - Phân công cụ thể - Hướng dẫn rõ ràng - Triển khai bài bản - Kết quả công khai”.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu Mặt trận các cấp thực hiện nghiêm việc giám sát xác định đối tượng, công khai mức và danh sách đối tượng được hỗ trợ; sẵn sàng tiếp nhận phản ánh, trả lời thỏa đáng những thắc mắc của nhân dân liên quan đến quá trình triển khai chính sách. Đồng thời, phát huy tối đa vai trò của đội ngũ cán bộ mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội để đảm bảo quyền lợi cho người dân nhưng tránh thất thoát, trục lợi chính sách.

“Cần công khai mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài truyền thanh, phát thanh, truyền hình, báo chí; niêm yết danh sách tại các địa điểm thuận lợi để nhân dân theo dõi, giám sát”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý đến việc phải cung cấp số điện thoại, địa chỉ email, từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, để nhân dân trực tiếp phản ánh. Có thể nhận qua hòm thư tố giác để giữ bí mật cho người phản ánh; trả lời thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cần xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, nhất là ngành LĐ-TB&XH các cấp, của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra./.

Tin, ảnh: Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực