Điểm đặc biệt của gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng

Thứ bảy, 11/04/2020 14:22
(ĐCSVN) - Điểm đặc biệt của gói hỗ trợ chưa có tiền lệ vừa được Chính phủ ban hành là hỗ trợ cho cả người lao động tự do, không có hợp đồng lao động. Đây là nhóm rất khó xác định cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương nơi quản lý, theo dõi, gần gũi dân cư để thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng.
 Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: Nguyễn Síu)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, thể hiện rõ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Gói hỗ trợ đã đem lại sự yên tâm của người dân, góp phần giải quyết những khó khăn vất vả trong cuộc sống trong tình hình dịch bệnh, tăng sự tin tưởng của người dân vào Đảng, Nhà nước, tiếp tục tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về điểm đặc biệt của gói hỗ trợ, cũng như những giải pháp để chính sách này thực hiện có hiệu quả, đến đúng các đối tượng thụ hưởng.

Phóng viên: Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ông đánh giá thế nào về gói hỗ trợ an sinh xã hội tại Nghị quyết này? 

Ông Bùi Sỹ Lợi: Đây là gói hỗ trợ an sinh xã hội được ban hành nhằm giúp người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19, do đó phải chấp nhận vượt qua giới hạn quy định thông thường về kỷ luật quản lý tài chính, ngân sách khi mà đất nước còn khó khăn.

Các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước lúc này thể hiện vai trò “bà đỡ” của Nhà nước có ý nghĩa thiết thực, cấp bách sống còn và nhân văn nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa góp phần thực hiện phòng, chống dịch, nhưng phải tiếp tục tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân với quan điểm là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, là hết sức quan trọng, biểu hiện cam kết của Chính phủ là hành động, vì dân là nền tảng củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương, biện pháp thực thi của Đảng, Nhà nước, góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

Phóng viên: Theo ông, trong gói hỗ trợ chưa có tiền lệ này có điểm đặc biệt nào nổi trội hơn so với những gói hỗ trợ mà trước đó Chính phủ đã thực hiện?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Có thể nói rằng, “gói hỗ trợ an sinh xã hội” này chưa từng có tiền lệ, khác biệt so với những gói hỗ trợ mà trước đó Chính phủ đã thực hiện, thể hiện tính nhân văn, tương thân tương ái, thiết thực của Nhà nước Việt Nam. Gói hỗ trợ có quy mô khoảng 62 ngàn tỷ đồng, bao phủ 7 nhóm đối tượng và 2 chính sách đặc thù khác cho khoảng 20 triệu người. Đây là những chính sách rất kịp thời để hỗ trợ người dân, với mục tiêu không đánh đổi lợi ích kinh tế lấy tính mạng, sự an toàn của người dân.

 Điểm đặc biệt ở đây là hỗ trợ cho cả người lao động tự do, không có hợp đồng lao động. Đây là nhóm rất khó xác định cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương nơi quản lý, theo dõi, gần gũi dân cư để thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng bảo đảm sự công bằng xã hội. 

Phóng viên: Thưa ông, trong bối cảnh dịch bệnh thì phải làm như thế nào để người lao động bị ảnh hưởng có thể tiếp nhận nhanh nhất các khoản hỗ trợ từ Chính phủ và các địa phương để ổn định cuộc sống?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Các chính sách được ban hành là rất đúng, rất trúng. Vấn đề quan trọng là tiến độ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kịp thời, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ cho đúng đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của dịch COVID-19 và phải công bằng, hợp lý, công khai, minh bạch, chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân.

Do đó, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết các ngành, các cấp, các địa phương phải kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện; thống kê, tổng hợp công khai minh bạch; đặc biệt là phải tổng hợp đúng đối tượng, tránh trùng lắp, hoặc bỏ sót; phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp, sự giám sát của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị để bảo đảm chính xác, công bằng, tạo sự đồng thuận cao và thực hiện đúng mục tiêu an sinh xã hội.

Phóng viên: Thực tế thì đâu đó vẫn còn những câu chuyện buồn về việc “ăn chặn” quà hỗ trợ của người dân trong khi thực hiện chính sách. Để chính sách này thực hiện có hiệu quả, đến đúng các đối tượng được thụ hưởng giải pháp là gì, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Đây là chính sách thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước lúc khó khăn vì vậy phải bảo đảm đúng nguyên tắc công bằng, hiệu quả, đúng đối tượng bảo đảm ổn định xã hội, không để trục lợi, lạm dụng chính sách. Đồng thời, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các trương hợp vi phạm. 

Phóng viên: Trách nhiệm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong việc thúc đẩy việc thực hiện đến đúng đối tượng được thụ hưởng hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi:  Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công phụ trách, ngay từ khi có dịch bệnh xảy ra, Thường trực ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tập trung theo dõi và cập nhật thông tin, tình hình về dịch bệnh COVID-19. Ủy ban cũng đã có Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số ý kiến nhận định sơ bộ về tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với một số lĩnh vực xã hội. Đồng thời, phối hợp với Bộ lao động - Thương binh và xã hội nghiên cứu và đề xuất các chính sách theo quy định của pháp luật như: Bộ luật lao động 2012, Luật BHXH 2014, Luật Việc làm nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động và người dân...

Sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương của Chính phủ, Ủy ban đã tham gia trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết và đề xuất hoàn thiện chính sách để Chính phủ ban hành nghị quyết.

Với tinh thần đồng hành với Chính phủ, theo sự phân công, tiếp sau đây Ủy ban sẽ tiếp tục tuyên truyền giải thích chính sách và tập trung giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương để bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống, thực hiện đúng mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân./.

 

 

 

Kim Thanh (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực