Thế giới tuần qua: Nước Anh trong cơn khủng hoảng Brexit

Chủ nhật, 24/03/2019 14:51
(ĐCSVN) – Hơn 1 triệu người biểu tình phản đối Brexit tại Anh, Mỹ và SDF tuyên bố đánh bại IS tại Syria, Nga kêu gọi phương Tây nối lại các nỗ lực kiểm soát vũ khí, bão Idai gây hậu quả nặng nề tại khu vực miền nam châu Phi... Đó là một số tin tức thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế trong tuần qua.

EU chấp thuận phương án lùi thời điểm thực thi Brexit

Tổng thống Mỹ: Thời gian tồn tại của IS tại Syria tính "bằng giờ"

Nga kêu gọi phương Tây nối lại các nỗ lực kiểm soát vũ khí

Bão Idai gây hậu quả nặng nề tại miền nam châu Phi

Venezuela tố cáo trụ sở ngoại giao tại Mỹ bị chiếm giữ trái phép

Hơn 1 triệu người biểu tình phản đối Brexit tại Anh

Ngày 23/3, khủng hoảng Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) tại Anh đã bị đẩy lên một cao trào mới với cuộc biểu tình kéo dài hơn 5 giờ tại khu vực xung quanh tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London, với số người tham dự tới hơn 1 triệu người. 

Tuần hành phản đối Brexit tại London, Anh ngày 23/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những người tham gia biểu tình phản đối Brexit, yêu cầu tiến hành trưng cầu ý dân lần 2 và yêu cầu Thủ tướng Theresa May từ chức. Họ mang theo cờ EU và biểu ngữ yêu cầu bất cứ thỏa thuận Brexit nào cũng cần phải được đưa ra cho người dân bỏ phiếu.

Cuộc biểu tình diễn ra 1 ngày sau khi Thủ tướng Theresa May gửi thư cho các nghị sĩ cho biết bà sẽ không tiến hành bỏ phiếu thỏa thuận Brexit lần 3 nếu như bà không nhận được "đủ ủng hộ" từ các nghị sĩ.

Cũng trong ngày 23/3, trên website của Quốc hội Anh đã có tới hơn 4 triệu chữ ký của người dân yêu cầu hủy bỏ Brexit.

Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt với nguy cơ phải từ chức sau khi một số bộ trưởng trong nội các đã bày tỏ mong muốn tìm kiếm người thay thế bà May nhằm tháo gỡ bế tắc trong tiến trình Brexit hiện nay.

Mỹ và SDF tuyên bố đánh bại IS tại Syria

Ngày 23/3, Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF), nhóm vũ trang do người Kurd đứng đầu được Mỹ hậu thuẫn tại Syria, tuyên bố đã đánh bại hoàn toàn tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria sau khi quét sạch những phần tử cuối cùng của tổ chức này tại thành trì ở miền Đông Syria.

Các tay súng được cho là thành viên IS đầu hàng SDF tại thành trì ở làng Baghouz, miền Đông Syria. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Trước đó, ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố IS bị đánh bại hoàn toàn tại Syria. Tổng thống Trump đưa ra phát biểu trên khi ông cho các phóng viên xem bản đồ của khu vực này. Một trong số đó cho thấy các khu vực rộng lớn từng do IS kiểm soát và bản đồ thứ hai phản ánh tình hình - tính đến ngày 22/3, trong đó không còn sự hiện diện của IS tại Syria. Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cũng xác nhận IS đã bị quét sạch khỏi Syria.

Từ năm 2014, IS đã chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Syria và Iraq, biến những nơi này làm thành trì hoạt động chính trước khi dần tan rã do các cuộc tấn công từ các lực lượng quốc tế, cũng như từ quân đội chính phủ các nước kể trên.

Nga kêu gọi phương Tây nối lại các nỗ lực kiểm soát vũ khí

Tại phiên họp toàn thể Hội nghị giải trừ quân bị do Liên hợp quốc bảo trợ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 20/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây nối lại nỗ lực trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Ảnh: TASS)

“Tôi hy vọng rằng đồng nghiệp các nước phương Tây có thể đánh giá tình hình và đề ra những vấn đề ưu tiên một cách có trách nhiệm, đồng thời nối lại những nỗ lực chung cùng với chúng tôi nhằm bảo đảm hòa bình và an ninh, gồm cả lĩnh vực kiểm soát vũ khí” – đại diện ngoại giao Nga phát biểu.

Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, cuộc chạy đua vũ trang mới được khơi mào bởi những hành động của Mỹ có nguy cơ dẫn tới một tình huống là nhiều nước sẽ coi năng lực hạt nhân là một sự bảo đảm duy nhất đối với an ninh quốc gia của họ. Theo quan chức ngoại giao Nga thì việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) và Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang trên diện rộng với những hậu quả không thể đoán trước.

Bão Idai gây hậu quả nặng nề tại miền nam châu Phi

Ngày 23/3, Chính phủ Mozambique cho biết số người thiệt mạng do cơn bão Idai hoành hành trong tuần trước tại nước này đã tăng lên hơn 400 người. Trong khi đó, một thống kê khác cho biết cơn bão này cũng đã khiến 259 người tại Zimbabwe và 56 người tại Malawi thiệt mạng.

Một góc thành phố Beira của Mozambique bị bão Idai tàn phá (Ảnh: Reuters)

Con số thiệt hại về người cuối cùng được cho là sẽ được công bố sau khi nước lũ rút đi. Ước tính khoảng 2,6 triệu người bị ảnh hưởng bởi cơn bão. 

Trước tình hình trên, các tổ chức quốc tế và nhiều nước đã tăng cường hỗ trợ người dân 3 nước bị ảnh hưởng bởi bão Idai. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là ngăn chặn những ảnh hưởng sau cơn bão, bắt nguồn từ tình trạng lũ lụt, thiệt hại mùa màng, nạn đói và dịch bệnh.

Ngày 20/3, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn của Liên hợp quốc Farhan Haq nhận định bão Idai có thể là một trong những thảm họa thiên tai tồi tệ nhất tại miền Nam châu Phi. Giới chức Liên hợp quốc cũng kêu gọi các nước tăng cường đóng góp hỗ trợ bởi mức độ thiệt hại do bão Idai gây ra dự báo sẽ tiếp tục tăng. 

Venezuela tố cáo trụ sở ngoại giao tại Mỹ bị chiếm giữ trái phép

Ngày 18/3, Carlos Vecchio, người được lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido chỉ định làm phái viên của Venezuela tại Mỹ, cho biết phe đối lập đã giành quyền kiểm soát 3 trong số các cơ sở ngoại giao của nước này tại Mỹ.

Đại sứ quán Venezuela tại Washington D.C, Mỹ. (Ảnh: Getty Images)

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh phe đối lập đang tìm cách lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Theo đó, phe đối lập giành quyền kiểm soát 2 tòa nhà thuộc Bộ Quốc phòng Venezuela ở Washington và 1 tòa lãnh sự ở New York.

Ông Vecchio cho biết thêm phe đối lập dự kiến sẽ giành quyền kiểm soát Đại sứ quán Venezuela tại Washington “trong những ngày tới”.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Venezuela đã ra thông cáo chính thức tố cáo việc một số cá nhân được sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đã chiếm giữ một số trụ sở cơ quan ngoại giao của Venezuela, đồng thời nhấn mạnh việc làm này vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao.

Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến Triều Tiên

Ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã ra lệnh rút lại những biện pháp trừng phạt có liên quan đến Triều Tiên do Bộ Tài chính Mỹ công bố gần đây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Washington DC., ngày 22/3/2019.
(Ảnh: THX/TTXVN)

Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: "Những lệnh trừng phạt quy mô lớn do Bộ Tài chính công bố hôm nay đã được bổ sung vào những lệnh trừng phạt đã tồn tại từ trước nhằm vào Triều Tiên. Hôm nay, tôi đã ra lệnh rút lại những lệnh trừng phạt bổ sung đó".

Trước đó, ngày 21/3, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố nước này đã áp đặt trừng phạt 2 công ty tàu biển của Trung Quốc với cáo buộc "hỗ trợ Triều Tiên né tránh các lệnh trừng phạt của Washington", đồng thời đưa ra một bản danh sách tư vấn cập nhật về 67 tàu thuyền liên quan tới các giao dịch xăng dầu hoặc được cho là đã nhập than của Triều Tiên./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực