Thủ tướng Hà Lan sẽ thăm chính thức Việt Nam

Thứ năm, 04/04/2019 14:43
(ĐCSVN) - Ngày 4/4/2019, Bộ Ngoại giao ra Thông cáo: Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mác Ru-tơ (Mark Rutte) sẽ thăm chính thức Việt Nam ngày 9/4/2019.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm Công ty Liên doanh
đóng tàu Damen Sông Cấm (Hải Phòng) năm 2014.

Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan là điển hình của "mối quan hệ năng động và hiệu quả” giữa Việt Nam và một nước châu Âu, phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu. Đáng chú ý, hai nước đã thiết lập Đối tác chiến lược về Thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước (10/2010, có Ủy ban liên Chính phủ điều phối hoạt động, đến nay đã họp sáu phiên, hoàn thiện Đề án đồng bằng sông Cửu Long) và Đối tác Chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực (6/2014). Đây là những lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng có thể tận dụng sự hợp tác giúp đỡ của Hà Lan. 

Hai bên tích cực hợp tác tại các tổ chức và diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN - EU. Hai nước ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ (Việt Nam nhiệm kỳ 2014 - 2016 và Hà Lan nhiệm kỳ 2015 - 2017), vào Hội đồng Bảo an LHQ (Hà Lan nhiệm kỳ 2017 - 2018 và Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2021); Hà Lan ủng hộ Việt Nam vào ECOSOC nhiệm kỳ 2016 - 2018, ủng hộ Việt Nam vào Ủy ban Ranh giới thềm lục địa nhiệm kỳ 2012 - 2017 và vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021.  

Hai bên thường xuyên tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị lớn như Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (1/2019, 2018, 2017), ASEM tại Bỉ (10/2018), Hội nghị Cấp cao ASEM11 tại Mông Cổ (7/2016), Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba tại La Hay (24 - 26/3/2014)…; ủng hộ quan hệ Việt Nam - EU và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU; hợp tác với Việt Nam (trên tư cách Chủ tịch EU 6 tháng cuối năm 2004) tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh ASEM - 5 tại Hà Nội; phối hợp với Việt Nam đưa ra Tài liệu quan điểm chung về Các vấn đề Phát triển, Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh tại Hội nghị G20.

Về vấn đề Biển Đông, Hà Lan có lập trường tích cực đối với các vấn đề an ninh, hòa bình, ổn định tại khu vực, nhấn mạnh các bên liên quan cần kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; đề cao vai trò đang lên của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông cũng như đóng góp vào hòa bình và an ninh khu vực. 

Trong chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2011) và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (2014), hai bên đã xác định 05 lĩnh vực hợp tác ưu tiên: thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, năng lượng, kinh tế biển và dịch vụ vận tải logistics.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Hà Lan không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại khá lớn và tăng đều hàng năm, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Từ năm 2002, xuất khẩu sang Hà Lan bắt đầu có chiều hướng tăng mạnh, trung bình khoảng 15%/năm. Hà Lan hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu.

Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 7,84 tỷ USD trong đó ta xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo, sản phẩm hóa chất, sản phẩm chất dẻo và nhập khẩu chủ yếu thực phẩm, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất và sản phẩm hóa chất, dược phẩm, sản phẩm chất dẻo. 

Những năm gần đây, Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại  Việt Nam. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ 01/01/1988 đến 31/12/2018, đối với những dự án FDI còn hiệu lực, Hà Lan xếp thứ 10/129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 318 dự án trị giá hơn 9,3 tỷ USD và là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Một số dự án đầu tư đáng chú ý của Hà Lan tại Việt Nam gồm: nhà máy điện Mông Dương trị giá 2,1 tỷ USD và nhà máy điện Phú Mỹ 3 trị giá 410 triệu USD (thực chất là đầu tư của Hoa Kỳ thông qua văn phòng tại Hà Lan); Công ty Pepsico Việt Nam trị giá 180 triệu USD.

Các dự án đầu tư chủ yếu thực hiện tại các tỉnh phía Nam: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…Ngoài một số dự án đầu tư lớn trên, các dự án đầu tư của Hà Lan nhìn chung có quy mô vừa và nhỏ. Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn hoạt động rất hiệu quả như Heineken (bia Heineken, Tiger, Bivina), Unilever (chất tẩy rửa, hoá mỹ phẩm, kem Wall), Royal Dutch Shell (khai thác và phân phối dầu khí), Foremost (sữa), Akzo Nobel Coating (hoá dược), Philips (điện tử)...

Ngay sau khi lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Hà Lan bắt đầu viện trợ ODA không hoàn lại cho ta, chủ yếu trong lĩnh vực nhân đạo, giáo dục - đào tạo và y tế.

Giai đoạn 2000 - 2005, Hà Lan cam kết tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam bình quân khoảng 25 - 27 triệu Euro/năm, 36 triệu Euro/năm giai đoạn 2006 - 2008. Kể từ năm 2011, cam kết của Hà Lan dành cho Việt Nam giảm nhẹ, trung bình khoảng 30 triệu Euro/năm, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên: bảo tồn rừng và đa dạng sinh học, y tế, quản lý nguồn nước và các vấn đề có tính liên ngành như xoá đói giảm nghèo, giới và phát triển, quản lý nhà nước… 

Giai đoạn 2011 - 2014, Hà Lan xếp Việt Nam vào nhóm nước có thu nhập trung bình, tuy không nằm trong nhóm 30 nước ưu tiên nhận viện trợ của Hà Lan nhưng vẫn trong nhóm 3 nước "quá độ” sang quan hệ đối tác bình đẳng (Colombia, Việt Nam và Nam Phi). ODA của Hà Lan cho Việt Nam vẫn tiếp tục nhưng giảm dần và tập trung vào một số lĩnh vực rất chọn lọc như: đối tác công - tư (tập trung vào các dự án nhỏ), an toàn thực phẩm, y tế và quản lý nước. Để chuyển dần sang quan hệ Đối tác, Hà Lan triển khai một số chương trình như: ORIO, NICHE, Đối tác công - tư…

Từ 01/2014, Hà Lan đã chuyển quan hệ với Việt Nam sang “đối tác thương mại” đặt trọng tâm thúc đẩy thương mại và đầu tư với Việt Nam nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế và việc làm của Hà Lan./.

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực