Không để “chảy máu” khoáng sản!

Chủ nhật, 26/03/2017 10:22
(ĐCSVN) – Tài nguyên khoáng sản không bao giờ tái tạo, nhưng đang dần cạn kiện, thậm chí có loại nay mai không còn nữa! Vấn đề đặt ra là giữ “lộc trời” cho mai sau hay tiếp tục khai thác "nóng" như hiện nay?


Hàng trăm đối tượng khai thác vàng trái phép tại Nam Giang (Quảng Nam) bị tập trung, chờ đẩy đuổi ra khỏi rừng.
(Nguồn: cand.com.vn)

Không phải là cường quốc về khoáng sản, nhưng với 5.000 điểm mỏ khai thác 60 loại khoáng sản, Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản. Khoáng sản của nước ta nhiều về trữ lượng, có giá trị kinh tế cao là: dầu khí, than, urani, titan - zircon, đất hiếm, apatit, sắt, chì - kẽm, đồng, thiếc, mangan, cromit, bauxit, cát thủy tinh...

Tài nguyên khoáng sản phong phú, là lợi thế, động lực để ngành công nghiệp khai khoáng phát triển, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, ngoài việc đóng góp cho sự tăng trưởng GDP hằng năm, ngành công nghiệp khai khoáng còn đáp ứng kịp thời nhu cầu về nguyên liệu cho các ngành kinh tế khác như nhiệt điện, hóa chất …

Nhưng những đóng góp ấy vẫn là chưa đủ khi thực tế chúng ta nhìn thấy tài nguyên khoáng sản quốc gia đã và đang khai thác quá nhiều, làm ảnh hưởng đến nguồn lực tương lai, rủi ro về môi trường...

Hiện có hàng nghìn doanh nghiệp tham gia vào quá trình khai thác, chế biến khoáng sản, nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp lớn mạnh cả về công nghệ, kỹ thuật lẫn nguồn lực tài chính, ngoại trừ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam...

Cấp mỏ, khai thác khoáng sản nếu chỉ để xuất thô ví như “gặt lúa non”, vừa không tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa lãng phí tài nguyên. Đấy là chưa nói đến việc không ít doanh nghiệp khai thác khoáng sản chui, không giấy phép, trốn thuế...

Việc cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản, nói theo “quy trình” thì rất chặt chẽ, phải qua nhiều khâu, nhiều cấp thẩm định... nhưng thực tế đôi khi vẫn nặng về “xin- cho”. Không ít địa phương cấp phép khai thác khoáng sản khi chưa có quy hoạch tổng thể, thậm chí còn có hiện tượng địa phương có mỏ khoáng sản lớn đã lách luật bằng cách cắt thành nhiều mỏ nhỏ để cấp phép thay trung ương, dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, phát triển “nóng”.

Đa số khoáng sản quý hiếm nằm ở những tỉnh miền núi, vùng sâu, nhưng sự thật, khoáng sản đã và đang được khai thác nhiều, nhưng dường như nơi đây vẫn nghèo, có khi thu không đủ chi!

Tài nguyên khoáng sản không bao giờ tái tạo, vấn đề đặt ra là giữ “lộc trời” cho mai sau hay tiếp tục khai thác như hiện nay? Đây là câu hỏi khó, nhưng đặt trong ngữ cảnh của nước ta, thì khoáng sản chưa thể “ngủ đông” được, mà cần đặt ra lộ trình khai thác, chế biến hợp lý, vừa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiềm chế “chảy máu” khoảng sản.

Muốn thực hiện được “mục tiêu kép”, việc cần làm ngay là rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản; nâng cao năng lực quản lý từ Trung ương đến địa phương; đồng thời xác lập “bản đồ” mới về trữ lượng, chất lượng từng loại khoáng sản cả ở tầm quốc gia và từng vùng, địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, "lợi ích nhóm" trong hoạt động khoáng sản, tạo cơ chế và tái cấu trúc công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, thiết bị hiện đại trong điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; Nâng cao năng lực công nghệ khai thác hầm lò ở độ sâu lớn; Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản nhằm bảo vệ môi trường và không gây lãng phí tài nguyên.

“Rừng vàng, biển bạc”, không chỉ là sự nhắc nhớ mỗi người Việt Nam phải biết trân quý, và đồng thời phải được hiện thực hóa bằng sự thịnh vượng quốc gia, chỉ số hạnh phúc của nhân dân. Khoáng sản là tài sản quan trọng của quốc gia phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt, lâu dài và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Còn không, nếu chúng ta khai thác khoáng sản "quá nóng", khai thác không có chiến lược, không có tầm nhìn, thì hệ quả xấu sẽ không thể đo đếm được!

 

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực