Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam

Thứ năm, 25/02/2010 14:35
 
Ảnh minh họa
(ĐCSVN) - Lời chúc đầu năm được vui mừng đón nhận nhất là chúc có sức khỏe. Có sức khỏe là có tất cả và vì thế, sức khỏe trở thành món quà quí nhất. Năm nay, Ngày thày thuốc Việt Nam lại trùng với tiết Nguyên tiêu, lời chúc sức khỏe càng có ‎ nghĩa.

Sức khỏe của một cộng đồng được tính bằng tuổi thọ và chất lượng sống. Có một tài liệu nói rằng do điều kiện sống khắc nghiệt, do chiến tranh, do bệnh tật, tuổi thọ của con người tiền sử chỉ khoảng 15 năm. Vào thời đồ đá cách ta khoảng 6.000 năm, tuổi thọ bình quân của con người trên trái đất chỉ 30 năm. Ngay ở Việt Nam, cách đây chưa lâu, người ta tổ chức “lên lão” vào tuổi 50 và “thượng thọ” vào tuổi 70. Nhưng bây giờ tình hình đã đổi khác. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay có người nói 72, có người nói 74,3, nghĩa là ai chết dưới tuổi 70 sẽ bị coi là chết trẻ. Theo một thống kê, hiện nay ở nước ta có gần 10.000 cụ sống  100 tuổi trong đó TP. Hồ Chí Minh có 284 cụ, Thái Bình có 182 cụ. Một cụ bà đang đề nghị được xác minh là 116 tuổi, nếu vậy sẽ là người cao tuổi nhất thế giới. Điều đáng mừng là các cụ cao tuổi ở nước ta đều trong tình trạng sức khỏe khả quan. 93% các cụ từ 80 tuổi trở lên được xếp loại sức khỏe trên trung bình.

Bởi sống thọ nhưng phải sống khỏe, sống có ích. Muốn vậy tự thân mỗi người phải cố gắng chăm lo sức khỏe cho mình bằng chế độ ăn uống, thể dục, phòng bệnh nhưng xã hội cũng phải quan tâm hơn đến sức khỏe của người dân thông qua các chính sách và khoản đầu tư cụ thể. Nhiều năm qua, chi phí cho y tế ở nước ta không ngừng tăng lên. Nếu năm 2002, chi phí cho y tế là 6.336 tỷ đồng, chiếm 4,4% GDP thì đến năm 2008, con số này đã là 24.430 tỷ đồng, chiếm 6,1% GDP. Năm 2010, Quốc hội sẽ xem xét việc nâng đầu tư cho y tế lên 7% GDP trong đó chi cho y tế dự phòng chiếm 30% tổng đầu tư cho y tế. Tuy còn rất lâu nữa mới đạt mức đầu tư y tế chiếm 30% GDP nhưng với điều kiện một nước nghèo, thu nhập bình quân tính theo đầu người mới đạt 1.100 USD, mức chi như vậy là một cố gắng lớn. Với mức đầu tư như vậy cùng với những cố gắng khác, chất lượng sống của người Việt Nam không ngừng được tăng lên.

Năm vừa qua, Tổ chức Kinh tế thế giới mới ( NEF), một tổ chức độc lập tại Mỹ đã xếp Việt Nam vào hàng thứ 5 thế giới về chất lượng sống, căn cứ vào tuổi thọ, mức độ hài lòng với cuộc sống và môi trường còn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam đứng thứ 116/182 quốc gia về chỉ số phát triển con người. Tuy chưa phải mức cao nhưng như vậy, từ năm 1985 đến nay, chỉ số phát triển con người trong đó có sức khỏe của nước ta mỗi năm tăng đều đặn 1,16 %, một mức tăng khá l‎ý tưởng với nhiều quốc gia. Hệ thống y tế dự phòng, nền tảng của một nền y tế phát triển đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Các bệnh đau mắt hột, giun sán, sốt rét, phong, lao, sởi, dịch hạch, bướu cổ và nhiều bệnh khác không còn là nỗi ám ảnh xã hội nữa. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, người tàn tật cũng giảm đáng kể.

Nhưng trước mắt, y tế vẫn đang là vấn đề gây bức xúc lớn trong xã hội. Tình trạng quá tải trong các bệnh viện nhà nước, nhất là ở tuyến trên; chất lượng khám và chữa bệnh còn thấp; y đức đang xuống cấp; chính sách y tế, nhất là bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập; trình độ cán bộ y tế chưa đáp ứng được yêu cầu; công bằng xã hội trong dịch vụ y tế còn nhiều bất cập; việc quản lý‎ thuốc và giá thuốc còn lỏng lẻo… đang đạt ra những thách thức lớn, không dễ giải quyết một sớm một chiều.

Đầu năm chúc sức khỏe mọi người cũng là chúc ngành y tế vượt qua thách thức, sớm đáp ứng sự mong mỏi của xã hội cho một tương lai y tế tốt hơn ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực