Ngày 4/9, tại Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố, Hội Nhà báo Thành phố phối hợp tổ chức Tọa đàm “Báo chí - Xuất bản đồng hành cùng Thành phố trong đột phá cải cách hành chính” được tổ chức.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh
trao đổi với các đại biểu bên lề Tọa đàm
Đến tham dự và chủ trì Tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phan Nguyễn Như Khuê, Thành ủy viên, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố; Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố; Trần Trọng Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố.
Tham dự Toạ đàm còn có các đồng chí: Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố; Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; lãnh đạo một số cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn; lãnh đạo một số sở, ngành, quận-huyện Thành phố; lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản Thành phố cùng các phóng viên, nhà báo trên địa bàn Thành phố.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Văn Minh cho biết: Cải cách hành chính (CCHC) là một trong nhiều nội dung được Đảng bộ Thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Thời gian qua, các cơ quan báo chí Thành phố và một số cơ quan báo chí Trung ương đã tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng về chủ trương, kế hoạch của Thành phố thực hiện “Năm đột phá CCHC và thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội”. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp Thành phố hiểu rõ quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền Thành phố để cùng xác định tâm thế tham gia tích cực. Phóng viên các cơ quan báo chí cũng thường xuyên bám sát thực tiễn đời sống xã hội, gắn bó thường xuyên với các bộ phận giải quyết thủ tục hành chính của địa phương, đơn vị; tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp để kịp thời tuyên truyền những nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như kịp thời phản ánh những tồn tại, hạn chế gây phiền hà, nhũng nhiễu trong khi giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức và những rào cản, bất cập trong cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí đã chủ động tổ chức các diễn đàn, chuyên trang, chuyên mục về CCHC để tiếp nhận những mô hình, giải pháp hay, hiệu quả từ các chuyên gia, nhà quản lý. Qua đó, giúp các địa phương, các đơn vị có điều kiện tham khảo, vận dụng.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh mong muốn, tại Tọa đàm lần này, các đại biểu tập trung thảo luận xoay quanh chủ đề của Hội thảo; chia sẻ các mô hình, giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả nhằm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; đồng thời qua Tọa đàm, tìm giải pháp tuyên truyền các thành tựu cải cách hành chính của Thành phố, những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền Thành phố trong công tác xây dựng chính quyền hiệu quả để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Đồng chí Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương,
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm
Báo chí Thành phố phải phản ánh thực tiễn sinh động
Tại buổi tọa đàm, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố chia sẻ, TP Hồ Chí Minh là nơi có nhiều cơ quan báo chí, nơi có đội ngũ những người làm báo đông, xông xáo, chuyên nghiệp. Trước yêu cầu và sự đòi hỏi phát triển mạnh mẽ của Thành phố, hơn lúc nào hết, báo chí đang được đòi hỏi cao – là lực lượng đồng hành tin cậy, cổ vũ cho những nhân tố mới, đề xuất giải pháp sáng tạo…góp phần đắc lực đưa Thành phố đi lên.
TP Hồ Chí Minh là nơi có thực tiễn sinh động, báo chí Thành phố phải phản ánh thực tiễn sinh động ấy. Điều đó tùy thuộc rất lớn vào khả năng lăn lộn thực tiễn, khai thác, xử lý thông tin và bản lĩnh của người làm báo.
Báo chí đồng hành cùng chính quyền Thành phố trong đột phá cải cách hành chính là đồng hành trong việc cùng Thành phố đề xuất tháo gỡ những khó khăn, ách tắc từ những quy định của pháp luật hiện hành. Đồng chí Phạm Phương Thảo cho rằng, báo chí đồng hành cùng Thành phố là nội dung quan trọng, có thể mở chuyên trang, chuyên mục, những diễn đàn, những điểm nhấn mời gọi và thu hút sự tham gia trao đổi, góp ý, phản biện xây dựng và đề xuất giải pháp từ chuyên gia, nhà khoa học, quản lý và hoạt động thực tiễn…
Đồng thời, đồng chí Phạm Phương Thảo cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo Thành phố tạo điều kiện để báo chí có thêm thông tin, có cơ hội cùng lắng nghe, trao đổi và xử lý các vấn đề đặt ra một cách thuyết phục, hiệu quả nhằm tạo đồng thuận, thúc đẩy phát triển.
Đồng tình với quan điểm của đồng chí Phạm Phương Thảo, đồng chí Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Báo chí đồng hành cùng Thành phố trong đột phá CCHC đòi hỏi báo chí cần nhập cuộc nhiệt thành, “đóng đúng vai”, đưa ý chí và tri thức về cải cách hành chính vào cuộc sống trở thành khát vọng, trách nhiệm của nhân dân, tạo nên sự đồng thuận xã hội về chương trình quan trọng này. Bên cạnh đó, báo chí phải có và thực hiện đúng chuyên môn nghiệp vụ cao, phương pháp tác nghiệp hiện đại, hấp dẫn độc giả. Tuy nhiên, không chỉ có chuyên môn, nghiệp vụ, nhà báo phải có bản lĩnh, trung thực, thẳng thắn, luôn thẩm thấu lời dạy của Bác Hồ “viết cái gì, viết cho ai, viết để làm gì…”
“TP Hồ Chí Minh có nhiều nhà báo giỏi thuộc nhiều thế hệ... Lực lượng đông đảo nhà báo cần không ngừng được nâng cao bản lĩnh, trình độ, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân… tránh lo “bình thiên hạ” mà “quên mình” - đồng chí Phan Xuân Biên chia sẻ.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Tọa đàm.
TP Hồ Chí Minh không để thiếu thông tin về CCHC cho các cơ quan báo chí
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã hoan nghênh các cơ quan báo chí tuyên truyền, phản ánh về công tác CCHC trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí còn tổ chức các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác này.
Theo đồng chí, hiện nay, một trong những vấn đề gây cản trở đối với sự phát triển của Thành phố là công tác CCHC không đạt yêu cầu, chưa thật sự như mong muốn. Đây cũng chính là điểm nghẽn, chưa phát huy được nguồn lực của người dân, doanh nghiệp nên phải được tập trung tháo gỡ.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn báo chí luôn đồng hành cùng Thành phố trong đột phá cải cách hành chính, tiếp tục phát hiện những mô hình, sáng kiến hay, hiệu quả trong lĩnh vực CCHC để cổ vũ, nhân rộng; báo chí tiếp tục tham gia phản ánh sâu rộng hơn nữa kết quả CCHC đến người dân, doanh nghiệp. Mặc khác, đối với các nơi chưa thực hiện tốt công tác CCHC thì báo chí cũng cần thông tin kịp thời, để tạo tác dụng cảnh báo, từ đó khắc phục các hạn chế, yếu kém.
Để hỗ trợ cho hoạt động tác nghiệp của báo chí, bên cạnh các cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp thì Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh tiếp nhận, cung cấp thông tin cho báo chí. Cùng với đó, chính quyền các cấp của Thành phố phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Yêu cầu đặt ra là TP Hồ Chí Minh không để thiếu thông tin về CCHC cho các cơ quan báo chí.
“Chính quyền khẳng định đã làm hay, làm tốt nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn không hài lòng thì rõ ràng công tác CCHC chưa đạt yêu cầu”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Trong các giải pháp như về ứng dụng công nghệ, chuẩn hóa quy trình… thì việc ghi nhận sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là giải pháp tập trung, nhằm tạo thúc đẩy thật sự trong công tác CCHC. Kết quả hài lòng của người dân cũng chính là thước đo hiệu quả trong công tác CCHC.
Đồng chí bày tỏ mong muốn báo chí qua tác nghiệp, đánh giá được người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi gì, mức độ hài lòng đến đâu qua những đột phá về cải cách hành chính mà chính quyền Thành phố đã và đang thực hiện.
Tại Tọa đàm lần này, Ban tổ chức đã nhận được 45 bài tham luận. Các tham luận tập trung vào 3 nội dung: Báo chí – Xuất bản với vai trò tuyên truyền, cổ vũ công cuộc CCHC; Một số nội dung CCHC đã thực hiện tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; Các giải pháp để làm tốt công tác CCHC trong thời gian tới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh./.