Tỉnh Gia Lai chú trọng phát huy lợi thế về du lịch cộng đồng
Theo thông tin từ Ban dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết, với 44 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23% (dân tộc Jrai chiếm 30,37%, dân tộc Bahnar chiếm 12,51%, các dân tộc khác chiếm 3,35%). Cư dân ở Gia Lai chia làm 2 bộ phận: Bộ phận cư dân đã sinh sống từ lâu đời (còn gọi là cư dân tại chỗ hay cư dân bản địa) gồm 02 dân tộc Jrai và Bahnar; bộ phận cư dân mới đến gồm người Kinh và các dân tộc ít người khác (có mặt ở Gia Lai muộn hơn); mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Còn theo số liệu từ Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh thì Gia Lai là địa phương có nhiều di tích văn hóa - lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh, với hệ sinh thái đa dạng, như: Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, với 02 vùng lõi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, thác K50, Biển Hồ, thủy điện Ia Ly, Núi lửa Chư Đăng Ya; không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng - Gò Đá và Bảo vật quốc gia Sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê… Đặc biệt, Quảng trường Đại Đoàn Kết, Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được bố trí hài hòa trong quy hoạch tổng thể gồm các công trình mang ý nghĩa như: Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Bảo tàng Cổ vật,... tạo nên một quần thể lịch sử, văn hóa, mỹ thuật hoàn chỉnh là điểm đến thu hút đông đảo du khách.
|
Biểu diễn đêm hội cồng chiêng do người dân làng Kép 2 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) thực hiện |
Ngoài ra, địa phương này còn là điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh, với những ngôi chùa nổi tiếng, có nét kiến trúc độc đáo, như: Chùa Minh Thành, chùa Bửu Minh... Cùng với đó, không gian văn hóa lễ hội, như: Lễ bỏ mả, Lễ khánh thành nhà Rông, Lễ mừng lúa mới, truyền thuyết Vua Lửa - Vua Nước. Với các thôn, làng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar mang đậm bản sắc văn hóa cồng chiêng, với các sản phẩm thủ công truyền thống, như: Dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc… và văn hóa ẩm thực phong phú. Về du lịch cộng đồng, bước đầu đã dần hình thành mô hình du lịch cộng đồng tại làng Ốp (thành phố Pleiku), làng Stơr, làng Mơ Hra (huyện Kbang), làng Ia Gri (huyện Chư Păh)…
Tại các huyện, thị xã, thành phố đã duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch và quảng bá các sự kiện văn hóa tạo sức hút đối với khách tham quan, du lịch như: “Lễ hội hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh)” đã được tổ chức từ năm 2017 đến nay; Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa và Hội cầu huê vào ngày mồng 4 tháng Giêng âm lịch (thị xã An Khê); Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện); Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai); Ngày hội du lịch huyện Kbang…
Ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025... Đặc biệt, hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2030. Ngành Văn hoá Du - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai không chỉ chú trọng khai thác các giá trị văn hoá truyền thống trên địa bàn tỉnh, mà còn quan tâm phối hợp với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung tạo ra các liên kết vùng. Đồng thời tìm kiếm các cơ hội để quảng bá văn hoá dân tộc của đồng bào Tây Nguyên ra thế giới. Liên tiếp trong các năm 2023 và 2024, tỉnh Gia Lai đã đưa các đoàn nghệ thuật dân gian sang biểu diễn văn hoá cồng chiêng tại Hàn Quốc là một ví dụ.
Phát triển du lịch cộng đồng để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế
Chủ trương của tỉnh Gia Lai là thông qua phát triển du lịch cộng đồng để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc vùng nông thôn. Thực tế những năm qua đã chứng minh cho tính đúng đắn của chủ trương này. Mô hình du lịch cộng đồng tại làng Kép 2 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) là một trong những ví dụ. Chính thức hoạt động từ tháng 4/2023, mô hình du lịch cộng đồng tại làng Kép 2 là một trong những điểm đến hấp dẫn với nhiều hoạt động thú vị như trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu ghè, cùng các cô gái Jrai lấy giọt nước, hóa trang thành ma bùn, tham gia đêm hội cồng chiêng,… Mỗi năm, làng Kép 2 thu hút hơn 5.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm.
|
Mô hình du lịch cộng đồng tại làng Kép 2 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) luôn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm |
Chị H’Uyên Niê (người dân tộc Jrai) là người khởi nguồn ý tưởng thành lập làng du lịch cộng đồng, giờ chị là Phó Trưởng Ban quản lý du lịch làng Kép 2, chia sẻ: Đây là tâm huyết của tất cả người dân trong làng, mong muốn ai cũng có việc làm ổn định để từ đó phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo tồn nét văn hóa của người Jrai. Tại đây, dù là già, trẻ, lớn, bé, đàn ông hay phụ nữ đều có thể tham gia vào mô hình và có thu nhập. Những nghệ nhân lớn tuổi sẽ dệt, đan lát, hướng dẫn người dân cùng tham gia, còn các em nhỏ sẽ hóa thân thành các nhân vật, kể lại câu chuyện đời sống của người dân tộc Jrai. Từ mô hình này, mỗi người dân có thể sống, lao động trên chính quê hương mình và đặc biệt là lưu giữ lại được những nét văn hóa truyền thống, không để các nghề thủ công mỹ nghệ bị mai một.
Hay một ví dụ khác là Câu lạc bộ dệt thổ cẩm tại làng Phung (xã Biển Hồ, thành phố Pleiku) được hình thành từ ý tưởng của bà Pêl (người dân tộc Jrai), là một nghệ nhân dân gian chuyên về dệt thổ cẩm. Cách đây hơn 3 năm, nhận thấy nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang ngày càng mai một, nên bà Pêl đã vận động được 23 chị em em đều là người dân tộc Jrai trong làng tham gia Câu lạc bộ.
Chị Rơ Lan Han là con gái của bà Pêl cho biết: Tuy các chị em thành viên Câu lạc bộ làm việc bán thời gian, chủ yếu vào chiều tối và ngày nghỉ, vì buổi sáng còn phải làm nông, nhưng hiện nay, các thành viên Câu lạc bộ đã sản xuất được nhiều sản phẩm với mẫu mã, hoa văn, hoạ tiết ngày càng đa dạng, được du khách ưa thích tìm mua, nhờ vậy, thu nhập của các thành viên Câu lạc bộ đã đạt trung bình 8-9 triệu đồng/người/tháng.
|
Rơ Lan Han giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm của Câu lạc bộ với du khách. |
Nhận xét về hoạt động của Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung do bà Pêl làm Chủ nhiệm, ông Đưk, Trưởng làm Phung cho biết: Từ 23 thành viên ban đầu, giờ câu lạc bộ đã tiếp tục truyền dạy nghề được cho thêm 10 cháu gái trong độ tuổi từ 10 đến 15. Việc làm của bà Pêl và Câu lạc bộ dệt thổ cẩm truyền thống này đã góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình tại địa phương.
Để khẳng định về ý nghĩa tạo ra nhiều sinh kế cho người nông dân từ những mô hình du lịch cộng đồng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Tỉnh Gia Lai luôn ưu tiên thực hiện các giải pháp để biến “di sản” thành “tài sản”. Tất cảc các kế hoạch, dự án, mô hình bảo tồn văn hoá dân tộc hay phát triển du lịch cộng đồng đều hướng đến đồng bào các dân tộc, lấy đồng bào các dân tộc làm trung tâm. Mục đích cuối cùng là vừa bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống, vừa tạo sinh kế cho bà con và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đến năm 2030 du lịch cộng đồng trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọm
Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 1103/KH-UBND ngày 10/5/2024 phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030. Trong đó nhấn mạnh mục đích:
Phát triển du lịch cộng đồng dựa trên cơ sở vận dụng, khai thác, phát huy tối đa và có hiệu quả về lợi thế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa, nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai, tiêu biểu là 02 dân tộc Bahnar và Jrai; kết hợp khai thác môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn, tạo thành sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ và thu hút du khách trong và ngoài nước đến Gia Lai ngày càng nhiều hơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ sinh kế cho người dân ở khu vực nông thôn.
Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân, sự tham gia tích cực từ cộng đồng dân cư cho đầu tư phát triển du lịch cộng đồng; hình thành các mô hình du lịch cộng đồng đảm bảo các điều kiện phục vụ khách du lịch; hình thành được chuỗi giá trị của một sản phẩm du lịch, kết nối hàng hóa vùng nông thôn, làng nghề truyền thống, dịch vụ, liên kết điểm, tuyến du lịch đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường.
|
Đưa văn hoá cồng chiêng vào truyền dạy từ sớm cho học sinh các trường học là một trong những biện pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc rất có hiệu của tỉnh Gia Lai |
Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch, trong đó phát huy vai trò cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, các hợp tác nông nghiệp, đóng góp của cộng đồng (tài chính, sức lao động...) và các nguồn hợp pháp khác cho phát triển du lịch cộng đồng.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh; tăng cường sự tương tác trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân đối với Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng; phát huy nội lực của từng địa phương đồng thời lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn để hỗ trợ các điều kiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất tạo thuận lợi cho phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân; góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân địa phương…
Hy vọng với quyết tâm chính trị rất cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai sẽ sớm đạt được mục tiêu của kế hoạch đã đề ra, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Nguyên./.