Báo chí phản ánh đậm nét các vấn đề lớn của đất nước

Thứ bảy, 28/12/2019 10:03
(ĐCSVN) - Năm 2019, báo chí đã phản ánh đậm nét, trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; tích cực tuyên truyền, quảng báo hình ảnh đất nước, con người; thành tựu đổi mới của Việt Nam đến bạn bè quốc tế; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chủ động tham gia đấu tranh bảo vê nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch…

Sáng 28/12, tại Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Phuông, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Lê Hồng Quang, Phó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao; các đồng chí Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng: Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Đào Hồng Lan, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bắc Ninh.

Các đồng chí chủ trì hội nghị: Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Lê Văn Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND Thành phố Hải Phòng; Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 600 đại biểu đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành uỷ, Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyên thông, Hội Nhà báo cán tỉnh, thành phố; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.

Nội dung thông tin phong phú, toàn diện

Báo cáo đánh giá công tác báo chí 2019 do đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tai Hội nghị khẳng định: Trong năm 2019, báo chí đã phản ánh đậm nét, trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Nội dung thông tin phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao, tập trung vào các vấn đề lớn, quan trọng của đất nước như: phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tuyên truyền thông tin đối ngoại, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân trong và ngoài nước.

Năm 2019 có sự chuyển biến rõ nét của các cơ quan báo chí trong việc chủ động tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, với nhiều hình thức thông tin phong phú. Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp trong việc đấu tranh xử lý thông tin xấu độc trên môi trường mạng internet, đạt được kết quả bước đầu tích cực.

Một số cơ quan báo chí đã mở chuyên mục, tăng cường và nâng cao chất lượng thông tin về nội dung này, như: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt nam, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam… Số lượng, chất lượng các chuyên mục, chương trình, tin bài mới đã tăng lên đáng kể, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận, tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội.

Bên cạnh nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, báo chí ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải trí của người dân, trong đó có nhiều chương trình có tính giáo dục, tính thẩm mỹ, tính văn hóa cao. Nhiều cơ quan báo chí đổi mới mạnh mẽ trong đầu tư nâng cao chất lượng bài báo, trang báo, chương trình, kênh chương trình, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, có tác động xã hội lớn, đạt hiệu quả về thông tin tuyên truyền, tạo ra nhiều sản phẩm nội dung thương hiệu Việt được đông đảo dư luận quan tâm, hoan nghênh.

Xử phạt 29 cơ quan báo chí

Trong năm 2019, nhiều cơ quan chủ quản báo chí thực hiện có trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, vướng mắc của tổ chức, cá nhân liên quan đến cơ quan báo chí trực thuộc, bảo đảm sự công bằng, khách quan. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được tăng cường. Những sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được xử lý, bảo đảm để các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định của pháp luật về báo chí. Có cơ quan báo chí vi phạm đã bị đình bản có thời hạn, một số nhà báo vi phạm đã bị thu hồi thẻ nhà báo. Kết quả, năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí với tổng số tiền là 675 triệu đồng. Các hành vi bị xử phạt chủ yếu là hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo tại Hội nghị.

Việc kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp được đẩy mạnh. Cơ quan quản lý nhà nước đã xử phạt 08 tạp chí điện tử với tổng số tiền 205 triệu đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu là thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, hoạt động chuyên trang không phép, hoạt động tạp chí điện tử không phép.

Bên cạnh những ưu điểm, thành tích là cơ bản, hoạt động báo chí vẫn tồn tại một số khuyết điểm, hạn chế kéo dài, nhất là: Thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép, tập trung chủ yếu ở tạp chí điện tử thuộc tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội. Thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân vẫn chiếm tỷ lệ còn cao. Tình trạng cơ quan báo chí đưa tin, bài thiếu thận trọng, nhạy cảm về chính trị, chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo về thông tin, đưa quá nhiều thông tin liên quan đến vấn đề tiêu cực, mặt trái của xã hội;

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng gỡ, sửa tin bài, cá biệt có một số trường hợp việc sửa tin, bài có dấu hiệu tiêu cực; thông tin không chính xác, hoặc sai sự thật, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tập trung nhiều ở báo chí điện tử; việc xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Việc triển khai Quy hoạch báo chí chưa bảo đảm tiến độ. Một số sai phạm của cơ quan báo chí chưa được chủ động phát hiện sớm để xử lý nghiêm, kịp thời; việc xử lý kỷ luật hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp chưa tương xứng với mức độ vi phạm, chưa thực sự có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh. Một số cơ quan chủ quản chưa tích cực chấn chỉnh, xử lý kỷ luật hoặc xử lý không nghiêm đối với những sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc; một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao...

Thực hiện Quy hoạch báo chí, trong 11 tháng đầu năm 2019, cả nước đã giảm 18 cơ quan báo chí so với năm 2018. Tính đến ngày 30/11/2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình với 02 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 05 kênh truyền hình. Năm 2019, Đài PTTH Quảng Ninh và Đài PTTH Bình Phước đã được sáp nhập với cơ quan báo Đảng của tỉnh, trở thành cơ quan báo chí thực hiện đủ cả 4 loại hình báo chí. Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó có 20.400 người đã được cấp thẻ nhà báo.

Giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm có nhiều lễ kỷ niệm lớn của đất nước; là năm cuối hoàn thành các mục tiêu Đại hội XII của Đảng... Trong bối tình hình khu vực quốc tế được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí nhanh chóng khắc phục những hạn chế, khuyết điểm như đã nêu ở trên, rút ra bài học kinh nghiệm, nỗ lực hơn nữa tiếp tục đổi mới để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2020:

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội nghị.

Trong đó, đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng để báo chí thực hiện tốt sứ mạng của báo chí cách mạng, tạo đồng thuận xã hội vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, sự phát triển đất nước bền vững; đẩy mạnh các biện pháp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trên diện rộng, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra tình trạng các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hoá”...

Đối với cơ quan chủ quản báo chí tuân thủ và thực hiện sắp xếp cơ quan báo chí theo đúng quy định tại Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các văn phòng đại diện, các phóng viên thường trú. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí về mọi hoạt động của cơ quan báo chí; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí xử lý kiên quyết, kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về thông tin, xa rời tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí…

Đối với cơ quan báo chí tuân thủ, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về báo chí; tích cực, chủ động, kịp thời truyền tải, thông tin tuyên truyền đầy đủ, phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước; đặc biệt là các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước (90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, năm Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...

Với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội nghị đã nghe các tham luận, trao đổi về các vấn đề cần quan tâm trong trong công tác báo chí cũng như đời sống báo chí - truyền thông. Hội nghị tập trung phân tích ưu điểm, thành tích, hạn chế, thiếu sót và chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác báo chí; đưa ra dự báo tình hình, phương hướng trong công tác báo chí năm 2020.

(Tiếp tục cập nhật)

 

Tin, ảnh: Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực