Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới

Thứ tư, 26/04/2017 21:18
(ĐCSVN) – Ngày 20/4/2017, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 31-HD/BTGTW tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới”.

Theo đó, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ lãnh đạo, đảng viên và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò và tác dụng của công tác thông tin cơ sở; thông qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của tổ chức, cá nhân để làm tốt công tác thông tin cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Việc tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị 07 phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, thiết thực, hiệu quả, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; đồng thời kịp thời đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, gây phương hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, cản trở việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

3 nội dung tuyên truyền trọng tâm

1. Tuyên truyền làm rõ vị trí, vai trò và những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập trong công tác thông tin cơ sở thời gian qua; chỉ rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, trong đó cần tập trung làm rõ:

Vị trí vai trò và tác dụng của công tác thông tin cơ sở đối với việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đối với việc tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị từ cơ sở cũng như việc cung cấp thông tin, kiến thức cần thiết tới người dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Làm rõ những hạn chế, bất cập chủ yếu trong công tác thông tin cơ sở hiện nay như: Nội dung thông tin còn đơn điệu, ít thiết thực, chưa được phổ cập rộng rãi tới người dân; phương thức truyền thông chủ yếu vẫn theo cách làm truyền thống chưa theo kịp với xu hướng của thông tin, công nghệ và đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập trong công tác thông tin cơ sở là do chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác này; cấp ủy, chính quyền các cấp ở nhiều nơi nhận thức chưa đầy đủ về phạm vi, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác thông tin cơ sở; sự phối hợp chỉ đạo của các cấp, các ngành còn thiếu chặt chẽ và thống nhất về phương thức truyền thông, lựa chọn thông tin.

2. Tuyên truyền, quán triệt sâu sắc quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới được nêu trong Chỉ thị 07, trong đó tập trung tuyên truyền, giải thích rõ:

Công tác thông tin cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới:

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ các phương tiện truyền thông hiện đại với cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết chế văn hóa - thông tin ở cơ sở hiện có và chương trình xây dựng nông thôn mới để làm tốt công tác thông tin cơ sở; bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết cho cuộc sống, lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân ở địa bàn xã phường, thị trấn; đồng thời chủ động đấu tranh phản bác những thông tin xấu độc góp phần củng cố sự đoàn kết, đồng thuận ở cơ sở và từ cơ sở.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại về viễn thông, truyền thông đa phương tiện; đồng thời chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền miệng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thông tin cơ sở lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các bộ ngành địa phương để khai thác, sử dụng có hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí.

Tập trung rà soát, củng cố, tổ chức lại các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở hiện có (đài truyền thanh cấp huyện và cấp xã, đội tuyên truyền lưu động cấp huyện, điểm bưu điện - văn hóa xã, tủ sách pháp luật, cụm thông tin cổ động, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng, thư viện, đội chiếu phim lưu động...) để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và phù hợp với thực tế địa phương, cơ sở trong tình hình mới.

3. Tuyên truyền, chỉ rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, của các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí, xuất bản..., nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin cơ sở; đồng thời, chú trọng tuyên truyền phát hiện, nhân rộng những điển hình, nhân tố mới, những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở; đấu tranh, phê phán những biểu hiện tiêu cực, bưng bít thông tin hoặc thông tin không chính xác, gây cản trở việc triển khai thực hiện công tác thông tin cơ sở cũng như việc thực hiện quyền được thông tin và tiếp cận thông tin của công dân./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực