Đổi mới công tác tuyên giáo trong tình hình mới

Thứ hai, 31/07/2017 16:28
(ĐCSVN) - Không có một giai cấp cách mạng nào lại không làm tốt công tác tuyên truyền cách mạng, giác ngộ quần chúng, coi đó là mục tiêu hàng đầu, không thể thiếu được. Chính vì vậy, ngay từ những năm đầu đi tìm đường cứu nước và suốt cả đời mình, Nguyễn Ái Quốc luôn lấy việc tuyên truyền cách mạng làm nhiệm vụ và mục tiêu cách mạng của mình.
 

Lễ trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tuyên giáo" do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 31/7/2017, tại Hà Nội (Ảnh: KS)

Trước khi thành lập Đảng, các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã lập ra những bộ phận chuyên phụ trách công tác tuyên truyền như Ban Huấn luyện, Bộ Tuyên truyền…Xuất phát từ yêu cầu khách quan của thực tiễn, Đảng đã thành lập Ban Cổ động và tuyên truyền của Đảng. Ban Cổ động và tuyên truyền đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động trước khi thành lập Đảng trong công nhân, nông dân, tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình chống khủng bố, đòi độc lập dân tộc, dân chủ. Đặc biệt, vào ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng đã xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8” nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô-Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc.

Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu giữ cho đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Hưởng ứng tinh thần của tài liệu này, kể từ ngày 1 tháng 8 đến tháng 10 năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân ta. Ngày 1/8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.

Căn cứ vào những tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá VIII) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng – văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8) mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hoá sâu sắc. Đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của lĩnh vực công tác tuyên giáo của Đảng – lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong các hoạt động thành lập Đảng Cộng sản cũng như trong công tác lãnh đạo của Đảng. Trải qua 87 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, nhưng trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, lĩnh vực tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng.

Công tác tuyên giáo bao gồm các lĩnh vực: lý luận, tuyên truyền, cổ động, văn hoá, khoa học, giáo dục…tác động đến tư tưởng, trí tuệ, tình cảm của con người một cách tinh tế, nhạy bén. Kỷ niệm ngày truyền thống vẻ vang này là dịp để cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các ngành và cán bộ làm công tác tuyên giáo nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo, coi đó là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng.

Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng trên lĩnh vực công tác tuyên giáo. Qua đó, góp phần củng cố, giữ vững trận địa tuyên giáo của Đảng, bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, kiên định các nguyên tắc, nâng cao niềm tin trong Đảng và nhân dân.

Thông qua các hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo, chúng ta một lần nữa ôn lại và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng, bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo và cuộc chiến đấu vinh quang của các thế hệ đi trước. Đây cũng là dịp để cán bộ ngành tuyên giáo và đông đảo cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên các lĩnh vực tuyên giáo ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Tuyên giáo, trong 87 năm qua, công tác tuyên giáo đã có những đóng góp tích cực vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống quan điểm sai trái, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng nền văn hoá, con người, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Công tác tuyên giáo đã thể hiện vai trò quan trọng, vị trí tiên phong trong việc cung cấp và định hướng thông tin trước những diễn biến phức tạp, khó lường từ tình hình trong nước và quốc tế, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào sự thật, đó là hiện nay công tác tuyên giáo vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Chính vì vậy, công tác tuyên giáo phải có sự đổi mới thực sự cả về nội dung, phương thức theo hướng chủ động, kịp thời hơn, nhạy bén, sâu sắc hơn, toàn diện, hiệu quả và cập nhật hơn. Cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp hiện đại trong công tác./.

Vũ Duy Thông

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực