Đồng chí Nguyễn Chí Diểu vẫn mãi sáng ngời trong lòng quê hương, đất nước

Thứ hai, 17/12/2018 16:56
(ĐCSVN) - Ra đi ở tuổi 31 khi sự nghiệp còn dang dở, nhưng những cống hiến xuất sắc của đồng chí Nguyễn Chí Diểu vẫn mãi mãi sáng ngời trong lòng quê hương, đất nước. Dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Chí Diểu luôn là một nhà hoạt động chính trị, người cộng sản kiên trung, một lòng vì dân, vì Đảng.
Sáng 17/12, tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Diểu (1908-2018).

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng, Văn hóa Trung ương; đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch.

Các đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Đắc Phương

Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ôn lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Chí Diểu - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế.

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học tại Làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang; đồng chí Nguyễn Chí Diểu sớm tiếp xúc với những người thầy tâm huyết; giàu lòng yêu nước; được sống, tham gia hoạt động trong bầu không khí đấu tranh cách mạng sôi sục của các tầng lớp nhân dân và thanh niên, học sinh, sinh viên Huế thời bấy giờ.

Năm 17 tuổi, đồng chí đỗ vào Trường Quốc Học và tham gia tích cực các phong trào đấu tranh yêu nước, chống chính quyền thực dân Pháp. Sau phong trào bãi khóa năm 1927, đồng chí bị đuổi học. Rời Trường Quốc Học, đồng chí bắt liên lạc với các nhà hoạt động cách mạng; tiếp tục tham gia các cuộc đấu tranh chống áp bức, bất công. Mới 19 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Tân Việt cách mạng Đảng - Ủy viên Kỳ bộ Trung kỳ; sau đó trở thành Bí thư Tỉnh ủy Gia Định; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa đầu tiên.

Được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, đồng chí đã tỏ rõ bản chất của một người lãnh đạo sâu sát, gần dân, am hiểu địa bàn hoạt động để xây dựng thế trận lòng dân và thế đứng chân vững vàng của phong trào cách mạng. Đồng chí đã lặn lội trực tiếp chỉ đạo xây dựng địa bàn vùng Bà Điểm - Hóc Môn, khu vực “mười tám thôn vườn trầu” - Nơi có truyền thống yêu nước và sau này trở thành địa bàn đứng chân của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam kỳ.

Tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Chí Diểu bị thực dân Pháp bắt giam và kết án khổ sai chung thân, lưu đày ở Côn Đảo. Suốt gần 6 năm bị giam cầm trong nhà tù của chủ nghĩa thực dân, đồng chí Nguyễn Chí Diểu vẫn luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ uy tín của Đảng, bảo vệ bí mật của tổ chức. Đồng chí đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, tham gia chỉ đạo các hoạt động đấu tranh chống sự tàn bạo của chế độ lao tù thực dân; tổ chức cho anh em trong tù học tập văn hoá và lý luận cách mạng để sau khi ra tù tiếp tục hoạt động phục vụ cách mạng.

Năm 1936, đồng chí Nguyễn Chí Diểu ra tù, được Trung ương Đảng giao trọng trách về Huế nắm tình hình và chỉ đạo phong trào cách mạng. Bằng tài năng và uy tín của mình, tháng 3/1937 đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã chủ trì hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ và được bầu làm Bí thư. Tháng 4/1937, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo hội nghị thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên do đồng chí Trần Công Xứng, Xứ ủy viên, làm Bí thư Tỉnh ủy. Nhờ đó, phong trào cách mạng Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung phát triển mạnh mẽ và giành những thắng lợi to lớn hơn trong giai đoạn sau này.

Mặc dù bị thực dân Pháp theo dõi, nhưng với trình độ hiểu biết và lòng yêu nước, thương dân, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã cùng với các đồng chí Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn, Bùi San tổ chức gây dựng, phát triển các cơ sở cách mạng; triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, cổ động; tập hợp quần chúng nhân dân thành mặt trận rộng rãi đấu tranh đòi tự do dân chủ.

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu cũng là người trực tiếp lãnh đạo và tổ chức các phong trào đòi quyền dân sinh, dân chủ, tạo thành phong trào cách mạng sôi nổi của nhân dân Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung thời bấy giờ. Trên cương vị người đứng đầu Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã quán triệt, vận dụng thành công đường lối của Đảng, tinh thần và phương pháp đấu tranh linh hoạt, sáng tạo, đưa phong trào cách mạng ở các tỉnh Trung Kỳ lên một tầm cao mới, góp phần tạo nên bước ngoặt cho Cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư TW Đảng,Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
dâng hương tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu. Ảnh: Phạm Văn Hướng

Không chỉ đấu tranh bí mật, đồng chí còn là người đi tiên phong trong việc sử dụng văn hóa, báo chí công khai và vận động nghị trường để đấu tranh cách mạng. Đồng chí đã chỉ đạo tích cực để cho ra đời tờ tuần báo Nhành Lúa - Tờ báo hoạt động công khai của Xứ ủy lâm thời Trung kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thời bấy giờ. Cũng tại trụ sở báo Nhành Lúa, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã triệu tập cuộc họp đại biểu các nhà báo của Thừa Thiên Huế bàn việc đón Godart để trao bản Dân nguyện, đây là cuộc biểu dương lực lượng náo nhiệt chưa từng có ở Huế do đồng chí trực tiếp chỉ đạo, điều hành.

Đồng thời, chỉ đạo thành công Đại hội báo giới Trung kỳ với sự tham dự của 70 nhà báo; kêu gọi thành lập mặt trận thống nhất của những người làm báo ở Đông Dương; yêu cầu được tự do xuất bản và thành lập Hội ái hữu báo giới Trung kỳ.

Sự kiện này là một thắng lợi chính trị quan trọng của Đảng, gắn liền với vai trò lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Chí Diểu. Trên đà thắng lợi đó, mặt trận đấu tranh công khai ở Trung Kỳ được hình thành; vai trò của báo chí cách mạng được phát huy cao độ.

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã tham gia chỉ đạo các tỉnh vận động bầu cử Viện Dân biểu Trung kỳ, và lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử các cơ quan nhà nước của chế độ thực dân, phong kiến, những người do Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương giới thiệu đã giành các ghế quan trọng như Viện Trưởng, Phó Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ.

Ra đi ở tuổi 31, khi sự nghiệp còn dang dở, nhưng những cống hiến xuất sắc của đồng chí Nguyễn Chí Diểu vẫn mãi mãi sáng ngời trong lòng quê hương, đất nước. Dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Chí Diểu luôn là một nhà hoạt động chính trị, người cộng sản kiên trung, một lòng vì dân, vì Đảng. Với trình độ hiểu biết và những hoạt động không mệt mỏi, cùng với lòng nhiệt tình cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã trực tiếp giác ngộ, đào tạo nhiều cán bộ tài năng của Đảng, là hình mẫu của thế hệ thanh niên trí thức đương thời; tấm gương của đồng chí làm thức tỉnh tinh thần yêu nước, lôi cuốn nhiều học sinh, sinh viên và đông đảo nhân dân Thừa Thiên Huế tham gia Cách mạng. Dưới sự dìu dắt, đào tạo trực tiếp của đồng chí, nhiều cán bộ, tiêu biểu như đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu đã trở thành những nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Cách mạng Việt Nam.

Nhân dịp này, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư TW Đảng,Trưởng Ban tuyên  giáo Trung ương cùng Đoàn lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và đông đảo cán bộ, nhân dân đã đến dâng hoa, dâng hương tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu tại làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế./.

Đắc Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực