Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh: Đưa sách đến gần hơn với người dân

Chủ nhật, 14/01/2018 21:16
Qua hai năm hoạt động, gần 4 triệu lượt khách trong và ngoài nước đã đến Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1) tham quan, mua sắm. Tổng doanh thu của các đơn vị hoạt động tại Đường sách lên đến 67 tỷ đồng.

Qua đó, góp phần phát triển các giá trị văn hóa, đời sống tinh thần, văn hóa đọc của người dân Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước. 

* Vì lợi ích cộng đồng 

Trong hai năm, Đường sách thành phố liên tục tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng cũng như giao lưu, mua bán, trao đổi sách. Hơn 267 sự kiện ra mắt, giới thiệu sách mới, giao lưu tác giả, tác phẩm đã diễn ra tại đây. Bên cạnh đó, 28 hoạt động chuyên đề gắn với các ngày kỷ niệm lớn trong năm của đất nước và thành phố; 31 cuộc trưng bày, triển lãm sách, ảnh, tranh phong phú cũng đã diễn ra tại Đường sách. Đặc biệt, qua hai năm hoạt động, hơn 750.000 bản sách đã được bán ra. 


 Khách nước ngoài tham quan Triển lãm. Ảnh: Phương Vy - TTXVN

Lý giải vì sao Đường sách lại có sức hấp dẫn đối với hầu hết mọi đối tượng bạn đọc, bà Quách Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sách thành phố chia sẻ: Đó là nhờ sự chỉ đạo, chủ trương đúng đắn của lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh khi xác lập việc xây dựng Đường sách theo phương thức xã hội hóa. Phương thức này đã được cụ thể hóa, thực thi thông qua các động thái như: Xây dựng tiêu chí để tuyển chọn, mời gọi doanh nghiệp kinh doanh trong ngành. Qua đó, định hình mô hình quản lý và điều hành hoạt động Đường sách trên cơ sở xác lập mối quan hệ 3 chủ thể là: Sở Thông tin và Truyền Thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sách thành phố. Đồng thời, xác định chức năng, định hướng, lập rõ vai trò, sứ mệnh của Đường sách là một không gian văn hóa đọc hướng đến mục tiêu vì cộng đồng, vì sự phát triển văn hóa đọc, vì sự chăm lo đời sống văn hóa tinh thần và môi trường học tập suốt đời của cộng đồng dân cư. 

Bà Nguyệt cho biết thêm: Từ mục tiêu, sứ mệnh này, Công ty tiếp tục nghiên cứu, khảo sát địa lý, nhu cầu thụ hưởng của người dân để tìm ra một vị trí lý tưởng cho những người mê sách, cư dân thành phố cũng như du khách có thể khám phá nét đẹp văn hóa độc đáo của Thành phố Hồ Chí Minh. 

Là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia Đường sách thành phố, chỉ trong năm 2017, doanh thu tại Đường sách đạt gần 7 tỷ đồng, tăng khoảng 3 tỷ đồng so với năm 2016, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Minh Nhựt, cho rằng: Nguyên nhân tạo sự khác biệt của Đường sách chính là yếu tố con người, gồm lãnh đạo, tổ chức thực hiện, đơn vị tham gia và hơn hết là người dân thành phố. Ngoài ra, đây là một trong những công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố năm 2015 nên những người “trong cuộc” đã nỗ lực vì nghề, vì đời để xây dựng, hình thành Đường sách thành phố như hôm nay. 

* Để sách đến gần hơn với người dân 

Thành công của Đường sách thành phố không chỉ dừng lại là mô hình kiểu mẫu cho các quận, huyện học tập hay được nhân rộng ở các tỉnh, thành trên cả nước mà còn là kinh nghiệm để một số nước trong khu vực và quốc tế đến tìm hiểu. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Sách Thái Hà Books, hiện một số nhà làm sách trên thế giới đang rất quan tâm đến các hoạt động văn hóa sách diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác của Việt Nam. Ví dụ như Myanmar đã cử các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách, truyền thông đến Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu về cách tổ chức hoạt động Đường sách thành phố và những mô hình đã được nhân rộng. Một số quốc gia khác bày tỏ trăn trở làm thế nào để có được một con đường sách Nguyễn Văn Bình đẹp và râm mát bóng cây. Qua đó, có thể tổ chức, xây dựng không gian văn hóa đọc sách hấp dẫn cho người dân. 

Theo giới chuyên môn, dù mô hình Đường sách thành phố đã tạo được tiếng vang và việc nhân rộng mô hình này là điều nên làm nhằm tăng sức lan tỏa rộng khắp đến với cộng đồng nhưng vẫn cần có sự nghiên cứu, tính toán thật kỹ từ yếu tố khách quan, chủ quan. 

Ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết, nếu mở rộng mô hình sách, cần thận trọng xem xét đến yếu tố nguồn lực và năng lực của Nhà xuất bản trong nước. 

Theo ông Nhựt, cả nước hiện có khoảng 60 Nhà xuất bản và hơn 100 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh lĩnh vực xuất bản. Nếu nhân rộng mô hình Đường sách thành phố cần tính đến nhu cầu, nguồn lực và khả năng tài chính của các Nhà xuất bản. 

Cùng quan điểm, bà Quách Thu Nguyệt chia sẻ thêm, việc phát triển mô hình nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân cần tìm hiểu mong muốn, nhu cầu của họ. Chúng ta cần có những khảo sát thận trọng, thăm dò ý kiến từ những người làm nghề, nhà trí thức giáo dục văn hóa và người dân trước khi thực hiện. 

Liên quan đến việc hình thành không gian văn hóa đọc tại các thư viện sẵn có ở các quận, huyện, tỉnh, thành trong cả nước, bà Nguyệt cho rằng: Hiện một số thư viện gần như hoạt động ở thiết chế “đóng”, vắng bạn đọc. Vậy tại sao chúng ta không đưa thư viện tìm đến người đọc thông qua việc hình thành không gian văn hóa đọc tại thư viện như tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối với đơn vị hoạt động kinh doanh sách để thu hút bạn đọc hơn nữa? 

Không cần thiết phải mời tất cả các nhà xuất bản tham gia thực hiện Đường sách, nên khai thác nguồn lực có sẵn. Chúng ta cần phát huy được vai trò phát triển cộng đồng, vai trò văn hóa đọc của các thư viện hiện nay, bà Nguyệt trăn trở. 

Để nhân rộng mô hình Đường sách thành phố hiệu quả, mang lại lợi ích bền vững, thiết thực hơn cho cộng đồng dân cư ở các quận, huyện, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian tới, Đường sách thứ hai của thành phố sẽ được thực hiện tại đường Nguyễn Đổng Chi, Quận 7 theo hình thức xã hội hóa. Sở Thông tin và Truyền thông, các ban, ngành, đơn vị, đoàn thể cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, tìm ra mô hình sách đặc trưng cho các quận, huyện, thành phố phát triển không gian văn hóa đọc. 

Bà Thu lưu ý thêm, có thể hình thành Đường sách theo từng cụm dân cư, hoặc liên quận, huyện và khảo sát nhu cầu thực tế của người dân địa phương. Đồng thời, chú ý đến việc khai thác hiệu quả các thư viện ở tuyến quận, huyện hiện nay để phát triển hơn nữa văn hóa đọc và thói quen đọc sách của người dân trong cộng đồng./. 

Gia Thuận/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực