Mới đây, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình hay, tạo phong trào, xu thế phát triển với gợi ý về 2 mô hình concert nổi tiếng, trong đó có “Anh trai vượt ngàn chông gai”.
Đoàn kết kêu gọi bình chọn cho những giá trị nhân văn
Tiếp nối tinh thần đó, tại các giải thưởng như VTV Awards 2024, Mai Vàng 2024, We Choice Awards 2024... không khí bình chọn "Anh trai vượt ngàn chông gai" đang diễn ra rất sôi nổi.
|
Ảnh chụp màn hình. |
Lần đầu tiên, một chương trình truyền hình nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng mạng qua những cách thể hiện rất đáng yêu. Trên các diễn đàn xuất hiện những lời kêu gọi, cổ vũ cho "Anh trai vượt ngàn chông gai", tạo ra làn sóng tương tác lên đến hàng vạn lượt yêu thích như: "Ngoài bóng đá ra, chắc Chông gai là show duy nhất khơi dậy được tinh thần đoàn kết dân tộc đến vậy. "Chông gai là chương trình khơi dậy được tình yêu nước và tình đoàn kết dân tộc. Tại sao vậy? Tại vì Chông gai tôn vinh và phát triển văn hoá dân tộc lên tầm cao mới”…
Có thể thấy, bên cạnh bóng đá, các chương trình giải trí chất lượng, có sự kết hợp yếu tố truyền thống với hiện đại, tôn vinh văn hoá Việt Nam đang thực sự trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, chạm đến cảm xúc sâu thẳm trong mỗi người, thúc đẩy họ cùng nhau đoàn kết để bình chọn cho những giá trị nhân văn.
Công chúng văn minh - chỉ dấu cho ngành công nghiệp văn hoá
Sự yêu mến mang tính chất cộng đồng được các nhà nghiên cứu văn hoá gọi là “Fandom” - hiện tượng xã hội mà ở đó người hâm mộ được sống trong cộng đồng mà họ yêu mến, trải nghiệm những niềm vui nỗi buồn cùng nhau, cùng nhau bảo vệ những giá trị mà cả cộng đồng đó, bao gồm cả “fan và idol” (người hâm mộ và thần tượng) chung sức xây dựng.
Hiện tượng người hâm mộ rầm rộ kêu gọi bình chọn cho "Anh trai vượt ngàn chông gai" trên các nền tảng mạng xã hội cho thấy sức mạnh to lớn của tình đoàn kết và sự trân trọng từ phía công chúng.
Không dừng lại ở việc hâm mộ cá nhân thông thường, công chúng đang thể hiện một văn hoá ứng xử lành mạnh, văn minh, nơi họ gắn kết với nhau không chỉ bởi niềm đam mê mà còn bởi sự hiểu biết và tôn trọng cộng đồng. Họ đoàn kết với nhau để lan toả sự yêu mến chân thành của mình và tôn vinh các giá trị nhân văn. Đây là những điều đang vượt lên trên cả văn hoá “fandom”, tạo ra một làn sóng ứng xử văn minh được cộng đồng ủng hộ.
Sự thành công của chương trình trên sóng VTV và những đêm concert, làn sóng bình chọn "Anh trai vượt ngàn chông gai" cho thấy tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Và ngành công nghiệp văn hoá không chỉ cần những nhà sản xuất giỏi, nghệ sĩ tài năng, công nghệ hiện đại mà còn cả những người hâm mộ hiểu biết và văn minh!