Di tích lịch sử Mộ và Đền thờ nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ phường Văn An,
thị xã Chí Linh (Hải Dương). (Nguồn: haiduongtv.com.vn)
Từ xa xưa, Tiến sỹ nước Nam tài cao, đức trọng được lưu danh thiên cổ, thời nào cũng có. Họ đều là các bậc nam tử được sàng lọc kỹ càng trong chế độ khoa cử khắt khe thời phong kiến. Vào cuối thế kỷ XVI, bà Nguyễn Thị Duệ đã vượt qua tư tưởng phong kiến, giả trai đi thi và đã đỗ đầu, trở thành nữ Tiến sỹ đầu tiên của nước Nam.
Theo văn bia, bà Nguyễn Thị Duệ còn có tên khác là Nguyễn Ngọc Toàn, hiệu là Diệu Huyền, tên vua ban là Tinh Phi (tức Sao sa). Bà sinh ngày 14/3/1574, tại tổng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, nay là phường Văn An, thị xã Chí Linh, Hải Dương. Bà thọ ngoài 80 tuổi và mất vào ngày 8/11 (chưa rõ năm mất).
Từ nhỏ, Nguyễn Thị Duệ đã tỏ ra là người bản lĩnh, quyết đoán và rất thông minh. Gia đình cho bà giả trai lấy tên là Văn Du để đi học. Năm 1593, Mạc Kính Cung xưng đế hiệu Càn Thống, chấn chỉnh kỷ cương, thu phục lòng dân, mở trường Quốc học Bản Thánh - Cao Bình, tổ chức thi kén chọn nhân tài, chấn hưng triều Mạc.
Vừa tròn 20 tuổi, bà Nguyễn Thị Duệ giả trai đi thi Hội, kết quả bà đỗ đầu và được triều đình ban thưởng. Khi vào dự yến tiệc tân khoa, vua Mạc thấy diện mạo bà giống con gái nên cho xét hỏi; biết được sự thật nhưng nhà vua không khép tội khi quân, không phạm vào quy chế thi cử, mà còn giữ nguyên học vị, phong bà là Tinh Phi. Trong mắt nhà vua, bà là một ngôi sao trên trời sa xuống trần thế, tài năng, sắc đẹp khó ai bì. Nguyễn Thị Duệ được nạp cung, được Vua Mạc sủng ái, giao cho việc dạy các phi tần. Bà rất quan tâm đến việc nâng cao dân trí và khéo khuyến khích người học, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Bà đã dùng toàn bộ số lộc điền được ban dọc theo bờ sông Kinh Thầy để thưởng cho những tân khoa của tổng Kiệt Đặc (nay là phường Văn An) luân phiên cấy cày thu hoa lợi. Mỗi tháng hai kỳ, bà ra đề văn cho sĩ tử ở làng làm bài, xong giao cho Hội Tư văn niêm phong lại rồi chuyển về kinh để bà chấm điểm... Ghi nhận những đóng góp của bà, vua Lê đã phong bà chức Chiêu Nghi, hiệu là Nghi Ái quan. Khi Hoằng tổ Dương Vương Trịnh Tạc lên ngôi, tôn bà là Đức Lão Lễ sư, vẫn giao trọng trách dạy các cung nhân. Khi ngoài 80 tuổi, bà xin về quê hương để sống những tháng ngày thanh đạm.
Đền thờ và lăng mộ bà Nguyễn Thị Duệ là một công trình kiến trúc rất nổi tiếng, là một trong tám di tích thuộc "Chí Linh bát cổ", đang được khôi phục, bảo vệ tốt, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân tri ân, tôn thờ người có công với nước./.
Mạnh Tú/TTXVN