Hội đồng xử lý vi phạm thể hiện sự tiến bộ trong quản lý báo chí

Thứ bảy, 15/04/2017 15:39
(ĐCSVN) – Đó là khẳng định của ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên Thường trực Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Việt Nam hiện có gần 900 cơ quan báo chí. (Ảnh minh họa: HL)

Theo ông Phan Hữu Minh, những năm gần đây, báo chí Việt Nam cực kỳ phát triển với gần 900 cơ quan báo chí. Hoạt động báo chí ở Việt Nam đã cho thấy nhiều ưu điểm khi tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần vào sự phát triển của đời sống xã hội. Qua báo chí, nhiều tấm gương tốt được biểu dương, nhiều vụ việc tiêu cực được phơi bày, nhiều vấn đề bức xúc được giải quyết… Tuy nhiên, cùng với các thành tựu, vẫn còn một số sai phạm trong hoạt động báo chí tồn tại với hình thức và biểu hiện khác nhau, mà trong đó các vi phạm chủ yếu liên quan tới đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Tình trạng báo chí bị thương mại hóa không những không bị ngăn chặn đẩy lùi mà có xu hướng nghiêm trọng hơn bằng việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục. Tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, cửa quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi, trục lợi và làm trái pháp luật, trái truyền thống đạo lý ngày càng gia tăng. Tình hình này cho thấy sự tha hóa, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận những người làm báo Việt Nam đến mức báo động, tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước và cộng đồng, làm mai một hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đạo đức báo chí trở thành vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Ông Phan Hữu Minh cho rằng, đạo đức nghề nghiệp người làm báo được khẳng định là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí, thậm chí trong rất nhiều trường hợp, đạo đức nghề nghiệp còn được nhấn mạnh hơn nghiệp vụ báo chí. Bởi người làm báo có thể học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ, nhưng đạo đức nghề nghiệp là yếu tố thuộc tư chất của con người, mà nổi lên là tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc đối với công việc… Đây là những yếu tố chỉ có thể hình thành trên cơ sở tự ý thức. Vì thế, để phát triển lành mạnh, tạo dựng uy tín trong xã hội và bạn đọc, mọi nền báo chí luôn coi trọng, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Ở Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đã được luật hóa thông qua Luật Báo chí năm 2016 và gắn liền với vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam. Cụ thể, tại điểm b, khoản 2, Điều 8 Luật Báo chí quy định: Hội Nhà báo Việt Nam “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Quy định gồm 10 điều và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Quy định này không chỉ khẳng định đạo đức nghề nghiệp là yếu tố hết sức quan trọng đối với mỗi người làm báo, tạo ra hành lang pháp lý đối với người làm báo trong quá trình tác nghiệp mà còn đồng thời khẳng định yếu tố đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí của mọi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, không phân biệt giữa người làm báo có Thẻ Nhà báo, hay người làm báo không có Thẻ Nhà báo.

Để 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam thực sự có hiệu quả, mới đây, Hội Nhà báo Việt Nam đã thành lập Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Theo ông Phan Hữu Minh, đạo đức nhà báo là một phạm trù trừu tượng, nếu không có cơ quan xử lý thì các vi phạm dễ trôi vào quên lãng. Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam sẽ nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giám sát thi hành của Hội Nhà báo Việt Nam. Đồng thời sẽ hành động khách quan, trung thực, hiệu quả để giúp cho tình trạng vi phạm đạo đức người làm báo ngày một giảm. “Việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo thể hiện sự tiến bộ trong quản lý báo chí” – Ông Phan Hữu Minh khẳng định.

Sau khi quyết định thành lập hội đồng, vào ngày 21/4/2017 tại Lâm Đồng, Hội Nhà báo sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đồng thời chính thức ra mắt Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Trong tháng 5/2017, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ triển khai quán triệt 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam trên phạm vi cả nước.

Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm 23 thành viên, Chủ tịch Hội đồng là đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng là đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Theo Quy chế hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Hội đồng nhằm bảo đảm cho việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam nghiêm chỉnh và hiệu quả; phù hợp với Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam khóa X.

Hội đồng gồm 2 cấp: cấp Trung ương và cấp tỉnh, Thành phố, Liên chi hội, Chi hội trực thuộc (gọi tắt là cấp tỉnh).

Đối với Hội đồng Trung ương, Hội đồng gồm các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đang đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo tại các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí, cơ quan báo chí, các Ủy viên Ban Thường vụ, các cơ quan chuyên môn của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với Hội đồng cấp tỉnh gồm đại diện các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đang là lãnh đạo tại các cơ quan: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh; các cơ quan báo chí: Báo Đảng tỉnh, Đài PT-TH tỉnh; Trưởng phòng Báo chí xuất bản Sở Thông tin & Truyền thông… Còn với Liên chi hội, Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam: Hội đồng gồm các ông, bà là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, là lãnh đạo Liên Chi hội, Chi hội; lãnh đạo cơ quan báo chí, các tổ chức đoàn thể như: thanh niên, công đoàn, thanh tra nhân dân. Thường trực của Hội đồng: Ban Kiểm tra, phụ trách kiểm tra.

Về trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng: Đối với Hội đồng Trung ương: Tiếp thu đề nghị của Hội đồng cấp tỉnh, Liên chi hội, Chi hội; trao đổi ý kiến trong Thường trực Hội đồng, Hội đồng và quyết định xử lý kỷ luật ở mức khai trừ và thu hồi thẻ hội viên; Xử lý kỷ luật khai trừ và thu thẻ hội viên trực tiếp nếu vi phạm đó là nghiêm trọng, tổn hại uy tín báo chí Việt Nam; Quyết định khai trừ và thu thẻ hội viên khi người vi phạm đã bị Bộ Thông tin & Truyền thông thu hồi thẻ nhà báo.

Đối với Hội đồng cấp tỉnh, Liên chi hội, Chi hội: Phát hiện sai phạm, tiếp thu phản ánh, tố cáo, yêu cầu đương sự làm kiểm điểm, tổ chức họp Hội đồng xem xét và kết luận; Ra văn bản đề nghị Thường trực Hội đồng Trung ương quyết định xử lý kỷ luật ở mức khai trừ và thu hồi thẻ hội viên; Ký các quyết định: Phê bình, khiển trách, cảnh cáo; Theo dõi việc sửa chữa vi phạm, kết luận tiến bộ và đề nghị xóa hình thức kỷ luật.

Về hình thức kỷ luật: Nếu vi phạm 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phải chịu một số hình thức kỷ luật sau: Phê bình; Khiển trách; Cảnh cáo; Khai trừ, thu hồi thẻ hội viên.

Cụ thể, đối với hội viên bị phê bình: Thông báo nội bộ cơ sở hội viên sinh hoạt; Đối với hội viên bị khiển trách: Sau 6 tháng, Hội đồng phải tổ chức nhận xét sự tiến bộ của đương sự; Đối với hội viên bị cảnh cáo: Sau 1 năm, Hội đồng phải tổ chức nhận xét sự tiến bộ của đương sự; Đối với hội viên bị xử lý khai trừ, thu thẻ hội viên, Hội đồng làm văn bản đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông thu hồi thẻ nhà báo; Trường hợp Bộ Thông tin & Truyền thông đã thu thẻ nhà báo, Hội đồng quyết định khai trừ và thu hồi thẻ hội viên; Còn trong trường hợp cùng một vụ việc, có người vi phạm chưa phải là hội viên, xử lý như sau: Hội đồng ra văn bản đề nghị Sở Thông tin Truyền thông, Bộ Thông tin & Truyền thông xử lý theo quy định của luật pháp.

Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực