Hội nghị Báo cáo viên các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 3/2017

Thứ năm, 09/03/2017 17:24
(ĐCSVN) - Ngày 9/3, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến Báo cáo viên các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 3/2017 tại 50 điểm cầu trên cả nước.

Hội nghị Báo cáo viên các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 3/2017. (Ảnh: K.T)

Dự Hội nghị có các đồng chí: Lâm Phương Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tại Hội nghị,TS. Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thông tin về thực trạng hoạt động lễ hội của nước ta hiện nay; nhiệm vụ đặt ra đối với cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trong việc tổ chức, quản lý nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội trong tình hình mới.

Theo đó, hiện nay cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, còn lại là các lễ hội khác. Địa phương có nhiều lễ hội nhất là Hà Nội, ít lễ hội nhất là tỉnh Lai Châu. Lễ hội dân gian có tỷ lệ lớn nhất và bao trùm hầu hết các làng xã Việt Nam hiện nay.

Trong những năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội cơ bản đã thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội của Đảng và Nhà nước. Lễ hội quy mô quốc gia đến các lễ hội nhỏ phạm  vi làng, xã đều đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều lễ hội có chuyển biến tích cực, khắc phục được nhiều hạn chế, tồn tại như mê tín dị đoan, cờ bạc, lưu hành ấn phẩm trái quy định. Do phát huy vai trò chủ thể của người dân, hoạt động lễ hội đã được xã hội hóa rộng rãi, huy động  được nguồn lực lớn từ nhân dân, nguồn tài trợ, cung tiến ngày càng tăng; nguồn thu qua công đức, lệ phí, dịch vụ phần lớn đã được sử dụng cho tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn các phong tục, tập quán truyền thống và hoạt động phúc lợi công cộng.

Phần lễ tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính, chương trình tham gia phần hội phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm; tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian, diễn xướng lành mạnh, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc để quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Gắn kết các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và mỹ tục truyền thống văn hóa lâu đời tốt đẹp, độc đáo của dân tộc ta, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, tâm thức hướng về nguồn cội của cộng đồng. Đồng thời, các sinh hoạt lễ hội truyền thống đã góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, làm nên vẻ đẹp của các công trình tín ngưỡng, tôn giáo.

Một số lễ hội tổ chức với quy mô ngày càng lớn, hình thức tổ chức với nhiều nội dung, nhiều hoạt động; các địa phương đã dựa vào nội lực là chính, nhiều lễ hội đã chinh phục được du khách, tôn vinh di sản, nâng cao uy tín thương hiệu du lịch hấp dẫn của địa phương.

Kinh nghiệm tổ chức lễ hội đã dần mang tính chuyên nghiệp hóa, góp phần tạo ra doanh thu và hiệu quả đầu tư, góp phần đẩy mạnh và nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân ở các địa phương, quảng bá hình ảnh đất và người Việt Nam, tôn vinh các giá trị văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong văn hóa du lịch, tạo dấu ấn với du khách trong nước và quốc tế…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập: Công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho quần chúng nhân dân hiểu rõ giá trị truyền thống trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong công tác tổ chức lễ hội còn hạn chế. Việc tổ chức lễ hội ở một số nơi còn phô trương, lãng phí, nặng về hình thức. Một số lễ hội dân gian tổ chức quy mô cầu kỳ hơn trước nhưng cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hình thức dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu mật độ của du khách, văn hóa tâm linh còn có biểu hiện thiếu lành mạnh…

Để giảm thiểu những tiêu cực trong lễ hội, theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý và tổ  chức lễ hội, giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội.

Khẩn trương thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá và bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi mang tính bạo lực…Tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông, bố trí bãi trông giữ phương tiện giao thông, có phương án phòng chống cháy nổ, phòng chống thảm họa, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân và du khách tham gia lễ hội. Tuyên truyền vận động ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; tăng cường công tác thanh, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội…

Thông tin về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn hướng tới xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế, TS. Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết:

Thời gian qua, cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh giá trị sản xuất các lĩnh vực có lợi thế hoặc thâm dụng tài nguyên thấp như: tăng thủy sản và chăn nuôi, giảm trồng trọt. Cơ cấu kinh tế theo vùng đã chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, tập trung, quy mô lớn và đem lại giá trị sản lượng cao. Cơ cấu kinh tế nông thôn đã chuyển dịch mạnh theo hướng giảm bớt hoạt động sản xuất nông nghiệp, tăng các hoạt động phi nông nghiệp ở nhiều địa phương, nhất là vùng đồng bằng; ở nông thôn đã hình thành các khu công nghiệp, dịch vụ thu hút nhiều lao động và tạo ra cơ cấu kinh tế mới cho địa bàn.Tuy nhiên so với nhu cầu và khả năng, nhất là trước thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu thì chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, tăng trưởng có xu hướng giảm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn có nhiều tiến bộ nhưng diễn ra chậm và khác biệt giữa các vùng. Khu vực công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn tăng chậm. Từ thực tế này dẫn tới những thách thức không nhỏ cho ngành nông nghiệp giai đoạn tới.

Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ trọng cao, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân chậm phát triển, chưa thật hiệu quả và bền vững.

Nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong lực lượng lao động cả nước, sức ép về việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn ngày càng tăng.Diễn biến thời tiết đã và đang diễn ra nhanh, mạnh hơn so với dự báo kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục gây tác động bất lợi cho ngành nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Ô nhiễm nước thải, khí thải ở các khu công nghiệp, làng nghề đang trực tiếp làm suy thoái môi trường, gây nguy hiểm cho sinh kế bền vững của người dân và cạn kiệt nguồn tài nguyên. Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, có sự chênh lệch lớn về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền, địa phương.

Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hướng tới xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp phải thực hiện một số nhiệm vụ,  giải pháp trọng tâm: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” với mục tiêu “ Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường”.

Để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết đề ra, đồng thời  thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn hướng tới xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp, hiện nay và giai đoạn tới toàn ngành nông nghiệp đang nỗ lực triển khai 2 chương trình, nhiệm vụ lớn đó là: Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể: Thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tiếp tục rà soát quy hoạch, điểu chỉnh lại cơ cấu sản xuất. Tiếp tục đổi mới, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị; đổi mới và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, tăng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp, nông thôn.

Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020, có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng thiết yếu trên địa bàn thôn, xã trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống của người dân như: giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa thôn, bản.

Để thực hiện được điều này, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển sản xuất hàng hóa bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất để tăng thu nhập cho cư dân nông thôn; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, làm chuyển biến rõ nét môi trường nông thôn theo hướng xanh- sạch- đẹp…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng  chí Lâm Thị Phương Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và kết quả mà ngành văn hóa và ngành nông nghiệp đã làm được trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, báo cáo viên các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương cần bám sát những nội dung lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông tin để tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Định hướng tuyên truyền trong thời gian tới, đồng chí Lâm Thị Phương Thanh đề nghị các báo cáo viên tập trung tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2017; tiếp tục truyên truyền phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái; đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, tự do tôn giáo ở Việt Nam; tuyên truyền về năm APEC Việt Nam 2017…                                     

K.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực