Hội thảo “Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam”

Thứ ba, 21/09/2010 18:25

 

 Góc hội thảo

(ĐCSVN)- Nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, ngày 21/9, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành Cổ Hà Nội phối hợp với Hội Sử học Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam”.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành Cổ Hà Nội, TS Nguyễn Văn Sơn nêu rõ: Trong các bộ chính sử thời phong kiến của nước ta như “Đại Việt sử ký toàn thư” thời Lê - Trịnh và “Việt sử thông giám cương mục” thời Nguyễn cũng như quan niệm của các sử gia đương thời trước thập kỷ 70 của thế kỷ XX thường coi triều Mạc là nguỵ triều, là nghịch thần. Nhưng từ những năm 1980 trở đi, giới sử học nước nhà đã có cái nhìn cởi mở hơn, đánh giá đúng hơn về triều Mạc. Nhiều cuộc hội thảo khoa học sau này đã có những đánh giá mang tính khoa học, khách quan về những đóng góp của nhà Mạc trong lịch sử nước nhà. Đặc biệt cuộc hội thảo khoa học năm 1994, tại Hải Phòng - quê hương của nhà Mạc đã khẳng định: nguồn gốc nhà Mạc khởi nguồn từ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần. Nhà Mạc thay nhà Lê là hiện tượng tiến bộ trong lịch sử. Tuy còn nhiều tranh cãi về chính sách ngoại giao “thần phục giả vờ, độc lập thực sự” của Nhà Mạc nhưng nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh thù trong gặc ngoài, nhà Mạc đã dùng chính sách ngoại giao như vậy để tránh cho dân tộc bị nước ngoài xâm lược cũng có thể coi là thành công, từ đó có cái nhìn thông cảm hơn với những công và tội của nhà Mạc.

Cũng như các cuộc hội thảo trước, Hội thảo lần này tiếp tục làm rõ hơn về những đóng góp của Nhà Mạc trong lịch sử. Với 50 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lịch sử, bằng những kiến giải sâu sắc, nội dung phong phú trên các phương diện: văn hoá, mỹ thuật, văn hoá dân gian, tôn giáo, tín ngưỡng, tư tưởng, giáo dục, kinh tế, quân sự, cơ cấu tổ chức chính quyền, di tích, di vật….các tham luận đã tập trung nghiên cứu và thảo luận về những đóng góp của nhà Mạc thời kỳ ở Thăng Long từ 1527-1592. Qua đó nhằm đánh giá công bằng hơn, xác đáng hơn những đóng góp của nhà Mạc trong lịch sử, đặc biệt trong việc xây dựng quốc đô Thăng Long- Hà Nội./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực