|
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền khai mạc sự kiện. |
Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh, trong ký ức của mỗi người Việt Nam, hình ảnh những người lính Cụ Hồ luôn rực sáng. Họ có thể là nam hay nữ, đến từ mọi tầng lớp, từ học sinh, sinh viên, người thợ, đến những người thầy. Khi Tổ quốc gọi, họ sẵn sàng lên đường với niềm tin chiến thắng và tâm nguyện sắt son: "Ra đi vẹn một lời thề/ Chưa đánh hết giặc chưa trở về quê hương”. Niềm tin ấy đã thắp sáng ý chí và sức mạnh bền bỉ của dân tộc trong những năm tháng vệ quốc vĩ đại. Ký ức hào hùng và niềm tin vào tương lai chính là chìa khóa giúp người Việt Nam đi qua chiến tranh, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp và hùng cường.
Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn trực tiếp tham gia chiến đấu. Những phong trào thi đua như “5 tốt”, “Ba đảm đang”, hay “Xây dựng hậu phương vững mạnh” đã trở thành động lực lớn lao. Nhiều phụ nữ như Võ Thị Sáu, Lê Thị Hồng Gấm, Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Định cùng nữ dân quân du kích, bộ đội Trường Sơn, và quân y đã ghi dấu bằng những cống hiến quả cảm, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng. Lời thơ của nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhẫn vang lên như một lời thề sắt đá: "Đế quốc Mỹ không thể chia cắt được/ Tia nắng hồng trên đỉnh núi Trường Sơn".
Ngày hôm nay, ký ức hào hùng ấy được tái hiện qua triển lãm tư liệu, hình ảnh và câu chuyện từ những vị khách mời đặc biệt. Đây là hành trang quý giá, là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để chúng ta cùng chung tay xây dựng cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh trong thời đại mới. Đồng thời, các hoạt động này góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", về một quá khứ hào hùng không được phép lãng quên.
Tại sự kiện, những kỷ vật chiến tranh từ các quân nhân, cựu chiến binh, thương binh và thân nhân liệt sĩ sẽ được trao gửi cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, không chỉ lắng đọng mà còn khắc sâu giá trị trân quý của lịch sử, như một lời nhắc nhở về ý nghĩa của việc sống “một đời đáng sống”.
|
Các đại biểu thăm quan các hiện vật trưng bày tại Triển lãm. |
Trong khuôn khổ sự kiện, đã diễn ra tọa đàm “Có một thời như thế” mang đến công chúng cơ hội gặp gỡ, giao lưu với bốn nhân vật, trong đó ba người đã từng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ. Những ký ức về tuổi trẻ nhiệt huyết, tình đồng chí và tinh thần cống hiến cho Tổ quốc được chia sẻ chân thành, truyền cảm hứng mạnh mẽ về khát vọng xây dựng đất nước.
Buổi tọa đàm còn giới thiệu câu chuyện về hành trình tiếp nối truyền thống gia đình, góp phần khẳng định niềm tin vào những giá trị vững bền của lịch sử dân tộc. Một trong những điểm nhấn của sự kiện là việc tiếp nhận các kỷ vật chiến tranh từ cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ. Những bức tranh, thư từ, nhật ký, và vật dụng cá nhân thấm đẫm tinh thần một thời hoa lửa được trân trọng lưu giữ và trưng bày nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.
Điểm nhấn của sự kiện là triển lãm “Ký ức và Niềm tin” gồm ba chủ đề chính: “Sẵn sàng lên đường” - Tái hiện thời khắc quyết định của những người trẻ tuổi khi gác lại mọi riêng tư để lên đường bảo vệ Tổ quốc; “Niềm tin chiến thắng” - Tôn vinh sự kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong khói lửa chiến tranh; “Ngày trở về” - Kể lại những giây phút đoàn tụ và nỗi đau mất mát không thể nguôi ngoai.
“Ký ức và Niềm tin” trưng bày gần 200 hiện vật và hình ảnh gốc, tiêu biểu có lá đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu năm 17 tuổi của bà Lộc Thị Hồng, thôn Vũ Thắng, xã Tân Tri, Bắc Sơn, Lạng Sơn. Trong đơn có đoạn viết: “Trước cảnh đất nước còn bị đau thương tan tác thì tôi người thanh niên với dòng máu đang trào dâng này không thể ngồi nhìn được, mà tôi muốn góp sức mình vào công cuộc chống Mỹ cứu nước”.
|
Giới thiệu hiện vật tại Triển lãm. |
Một hiện vật khác là cuốn Nhật ký nữ bộ đội Trường Sơn Nguyễn Thị Hồng Nhãn, bộ đội Trường Sơn, Đoàn 559 viết từ năm 1968 - 1975 ghi lại những ngày tháng phục vụ trong quân ngũ. Nội dung nhật ký có ghi chép, năm 1972 khi đang trên đường hành quân bà chợt nhìn thấy hình ảnh Bác Hồ được khắc trên một thân cây do một đồng chí thương binh mất một tay thực hiện. Bà đã sáng tác một bài thơ ghi trong nhật ký, trong đó có đoạn: "Tôi đã xem nhiều bức tượng đồng đen/ Nhiều bức tranh lồng trong gương đẹp/ Nhưng chưa thấy ở đâu tôi rưng rưng nước mắt/ Như ở Trường Sơn hình Bác tạc vào cây/ Mỗi chúng tôi chỉ được ngắm vài giây/ Rồi vội vã đi ngay theo bàn tay Bác chỉ…"
Chiếc kèn Harmonica của ông Nguyễn Tiến Lịch, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 530, Trung đoàn 5 dùng thổi bài “Vì nhân dân quên mình” cạnh quả bom hẹn giờ để động viên tinh thần chiến sĩ, năm 1971. Cùng các hiện vật tiêu biểu có bức thư của liệt sĩ Trần Mộng Ân gửi vợ là bà Nguyễn Thị Dậu, khi ông chiến đấu ở miền Nam. Ngoài ra còn hàng trăm hiện vật, tư liệu xúc động khác của những người đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những hiện vật này giúp khán giả cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của ký ức và tình cảm trong những năm tháng chiến tranh, sức mạnh kỳ diệu của tinh thần yêu nước, giải thích vì sao dân tộc Việt Nam nhỏ bé có thể chiến thắng những kẻ thù mạnh hơn về kinh tế và quân sự. Đồng thời gửi gắm thông điệp mạnh mẽ đến thế hệ trẻ: Hãy tiếp nối truyền thống cha anh, sống có hoài bão và niềm tin.
Sự kiện mở cửa từ ngày 19/12/2024, phục vụ công chúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam./.